Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Thực tại của ngày qua, ngày nay & ngày mai (đọc Ram bô yêu dấu của VVQ)


Báo Thanh Niên_Thể Thao & Giải Trí số 95 (ra ngày 4/6/2009) có bài giới thiệu cuốn Ram Bô yêu dấu của tui bên cạnh những tin "hot" như "Bằng Lăng có chửa", "Nhật Tinh Tướng bị hắc lào", "siêu sao Jackky Chun bị hăm bẹn" ...v.v. Ngoài bài giới thiệu, bổn báo còn phỏng vứn tui nữa nè. Oai không? Oai như cóc ! He he he

Sau đây là bài giải phóng_tức phỏng vấn:

1.Cả tập truyện của anh toát lên sự hài hước, mỉa mai, ngoài đời anh là người thế nào?
Nhân gian lưu truyền thành ngữ: “Văn là người”. Tôi thấy (phần lớn) mọi người tin vào điều này. Tôi thì không tin vào điều đó. Tôi không cho rằng cha đẻ của những dòng văn dữ dội sẽ là một ông thiên lôi, hoặc mẹ đẻ những áng văn ủy mị, chữ tình, sẽ là một bà/cô/chị liễu yếu đào tơ mảnh dẻ thướt tha …v.v. Cũng như tôi chẳng hề là người hài hước, thích/hay mỉa mai. Nói chung, ngoài đời tôi là một kẻ khá nhạt nhẽo và vô tích sự

2. Anh chọn lựa các truyện ngắn vào trong tập này theo tiêu chí nào,
hay là không theo tiêu chí nào cả?

Bên trên, bạn đã nhận ra “cả tập truyện toát ra…”, như vậy là đã có ít nhất hai người – tôi và bạn – nhận thấy có sự nhất quán trong tập truyện (về văn phong, đề tài…). Tôi nghĩ rằng để có sự nhất quán, ta không thể trong mong vào sự ngẫu nhiên.

3. Anh đã từng gặp mẫu phụ nữ nào giống Vân trong "Ôi Rambo yêu dấu" hay đây chỉ là một sản phẩm 100% của trí tưởng tượng?
Gặp nhiều. Một phép tính nhanh lướt qua đầu, tôi đã thấy không dưới ba cô thuộc tuyp duy ý chí như vậy. May mắn là họ chỉ là chất xúc tác, là cái gợi ý để tôi viết truyện đó. Họ, những cô gái ngoài đời thật ấy, họ không duy ý chí tới mức cực đoan. Có thể coi câu chuyện của tôi là sản phẩm của 92% sự tưởng tượng và 8 % sự thật

4. Tại sao nhiều truyện trong tập này nhắc đến trường múa và thời bao cấp? (chúng khiến tôi liên tưởng đến "Yêu và sống" của Lê Vân)
Vui nhỉ ! Liên tưởng của bạn rất vui đấy. Có lẽ yếu tố múa, trường múa, thời bao cấp khiến bạn có liên tưởng đó..? Tôi thì không thấy có sự lien can gì. Trong tập, có hai hay ba truyện viết về múa, trường múa, và cũng hình như số lượng đó truyện có đôi nét vẽ vụng về thời bao cấp. Sở dĩ tôi có viết về những điều này bởi tôi vốn là một diễn viên múa. Tôi vào học trường múa (Trường cao đẳng nghệ thuật Múa) khi mới lên 10 tuổi. Ở kí túc xá, nghĩa là môi trường tập thể, tự lo thân, từ năm lên 10. Hệ đào tạo tôi theo học là hệ dài hạn nhất trong các hệ đào tạo diễn viên múa_ 7 năm. Thời kì tôi học trường múa (1979 – 1986) cũng là thời gian mà chế độ bao cấp đang “phát huy” hết công dụng. Những điều đó (thời điểm, thời gian trong trường múa) khiến nghệ thuật múa, và trường múa, cũng như thời bao cấp có một dấu ấn khá sâu đậm trong tôi. Tôi sẽ còn viết về đề tài này

CHÂN D[R]UNG TỰ HỌA


Chân dung tự họa

Lỗ đít tôi ở đỉnh đầu
Hồn tôi vì thế bạn bầu với phân
Não bộ tôi giữa hai chân
Con trym lực lưỡng có phần đoan trang

H[l]ồn em, một mảnh h[l]ồn xinh
Vậy mà nó vẫn làm thinh
ngáp ruồi!

Đùa nghiêm [xuân yêm] chỉnh !


Lê Anh Hoài
Đùa nghiêm chỉnh
(đọc “Ram bô yêu dấu” của Vương Văn Quang, Nxb Văn học – Bách Việt 2009)

Liên tu bất tận. Không đầu không cuối. Câu chữ cứ cuốn lấy nhau và cứ dính bết vào trí não người đọc, dù cho câu chuyện có thể chẳng có gì, thậm chí vô cùng nhảm. Vương Văn Quang không làm văn, anh bày tỏ một thái độ hậu hiện đại.

Cuốn sách “Ram bô yêu dấu” của Vương Văn Quang (tên thật Đỗ Trí Dũng) gồm 16 truyện ngắn. Trong số này, có những truyện mới đọc cái tên truyện đã cảm thấy là lạ: “Biên bản ghi nhớ về cái ngày hôm nay”, “Không biết để làm gì (!?)”, rồi lại còn kiểu nói lái nghịch ngợm “Đê vồ” (vô đề). Những truyện này đều được anh viết gần đây hơn cả, nó phản ánh cái nhìn ngày hôm nay của Quang ngày hôm nay.
Một cuộc yêu trong truyện của Vương Văn Quang thì sao? Tình yêu - cái thứ vốn thiêng liêng được anh mô tả trong “Không biết để làm gì (!?)” với giọng điệu: Tôi và nàng nhìn nhau vài lần, (...) Hai cặp mắt soi thẳng vào nhau, xa lạ và lạnh lùng. Nhưng hấp dẫn và cuốn hút nhau. Cái thứ mà ngay từ đầu truyện, tác giả đã bình thản đến sống sượng mà rằng: Sét chăng? Vớ vẩn, chẳng có chuyện tình ái ở đây. Mọi cách lí giải của các nhà văn, nhà thơ, nhà tâm lí, đều không giống, không đúng trong trường hợp này.
Hai nhân vật gặp nhau trong một buổi tiệc ấy lập tức hẹn hò nhau trong một restaurant của một khách sạn có tên nơi khiến thỉnh thoảng, tôi cũng nghĩ về số tiền tôi có trong ví, để rồi khi món tráng miệng đưa lên, thì tôi cố nghiêm trang nói theo lối thoại trong phim Mỹ: “Em có phản đối, nếu tôi đề nghị chúng ta sẽ ngủ với nhau đêm nay?”.
Sẽ là hết sức nhàm chán và sống sượng, như khi đọc bài về những vụ án hay tệ nạn trên báo, nhưng Vương Văn Quang đã thoát ra khỏi tình trạng này hết sức dễ dàng, dù giọng điệu trong truyện ngắn này (và nhiều truyện khác), từ đầu đến cuối vẫn tưng tửng không đổi. Anh khiến người đọc đau, mà không kịp hiểu vì sao mà đau. Đó là lối chơi của nhà văn hậu hiện đại. Không rao giảng, không lãng mạn, không lý do lý trấu, không đầu không đuôi, chỉ dày đặc những chi tiết, như mở toang một gian nhà kho bị bỏ quên, nhưng cuộc sống đương đại cứ lồ lộ trải hiện, với đầy đủ những ái ố hỉ nộ. Chỉ xin lưu ý một điều, cuộc sống với những con người ấy, không còn giống với cuộc sống với những con người ngày nào.
Trong “Đê vồ”, một truyện có lối viết hết sức phóng túng, gọi là tạp bút có lẽ cũng đường được, có đoạn như thế này: Khi chia tay, chúng tôi hôn nhau, ngay trên đường. Đó là thủ tục bình thường của những cặp tình nhân thời bản sắc văn hoá dân tộc đang có nguy cơ lung lay. Hôn âu yếm như Tây. Đắm đuối. Mắt cũng dấp dính. Đèn đường, đèn xe, nhấp nháy, đuổi nhau, mờ nhoè tạo cảm giác như đang coi một triển lãm ảnh nghệ thuật. Em bảo, mồm anh hôi quá, toàn mùi hành.
Tưởng đùa, nhưng có gì đó nghiêm chỉnh đến bất thường trong những câu ấy.
Đây cũng chính là kiểu cách của Quang ở ngoài đời. Ngồi chơi với chúng bạn văn nghệ, anh thường im im, rồi thỉnh thoảng tương ra một câu như vơ vẩn. Anh viết nhanh lúc bốc, nhưng cẩn trọng câu chữ. Quan tâm đến thời cuộc, theo kiểu của mình, bất kể khen chê, anh có nhận định riêng, và lối phát biểu riêng.
Vương Văn Quang ẩn tàng nhiều bất ngờ: nhà văn này xuất thân từ một diễn viên múa ballet, học hệ chính qui dài hạn 7 năm. Anh từng làm việc tại một số đoàn nghệ thuật, đi diễn nước ngoài nước trong. Rồi đùng một cái, bỏ nghề, bắt đầu cầm bút viết cuối năm 2003, truyện của Quang đã đăng trên nhiều báo. Bất ngờ khác: anh càng viết càng trẻ. 7X đời đầu - tuổi Canh Tuất - nhưng truyện của Vương Văn Quang viết gần đây như 9x. (Cũng nói luôn, con trai anh là nhà thơ Đỗ Trí Vương, sinh năm 1990, tác giả vào chung khảo giải thơ Bách Việt 2008).
Trong tập truyện “Ram bô yêu dấu”, có những truyện anh viết trước đây. Khi ấy, truyện vẫn nghiêm lắm: Kết cấu chặt, cốt truyện có mở ra có đóng vào, có thắt nút, có mở nút. Truyện một đôi vợ chồng trẻ xuất thân từ diễn viên múa, họ đã qua một đoạn đời cực nhọc với tình yêu, nhưng khi cuộc sống tiến lên thì tình yêu lùi lại, chồng bồ bịch, vợ bạc bài.... Rồi truyện với một đứa trẻ bị lãng quên và cuối cùng lìa đời... Những truyện này đọc được, nhưng không đủ sức làm nên một phong cách. May mà (lưu ý, tôi biết có người sẽ cho là rủi) Vương Văn Quang đã cởi bỏ được niêm luật, bung ra với diễn đạt thoáng cùng với tinh thần đương đại tươi tắn.
L.A.H

KINH AND Rambo yêu dấu

VƯƠNG VĂN QUANG và RAMBO YÊU DẤU

Sẽ không tìm thấy ở tập truyện ngắn Ram bô yêu dấu một câu chuyện thật giật gân, thật lãng mạn, nhưng đọc cả tập truyện sẽ dễ dàng thấy Ram bô yêu dấu để lại một dấu ấn rất lạ, mà ở đó khắc đầy đủ những chi tiết vẽ nên cuộc sống thực tại ngày hôm qua, hôm nay hay cả ngày mai của cuộc sống bình thường đang diễn ra quanh ta.

(Theo Thanh Niên)

Vương Văn Quang và Sự Bung Phá
Cảm giác đầu tiên khi đọc “Ram bô yêu dấu” của Vương Văn Quang đó là một sự bung phá. Ở đây, có lẽ không nên cho rằng, đó là một sự bung phá và cách tân trong kỹ thuật viết, mà đó là một sự bung phá trong tư tưởng.
Một người viết, nếu quá thông minh khi lồng mình vào tác phẩm sẽ dễ dẫn đến một sản phẩm chệch khuôn hình. Nghĩa là nó sẽ chệch lối mòn suy nghĩ và cảm thụ của phần đông độc giả, nhưng có lẽ vẫn nên cho rằng Vương Văn Quang là một người viết thông minh. Cái thông minh của anh thể hiện trong tác phẩm, không phải là cái thông minh mà người ta vẫn gọi là kỹ thuật viết, mà là cái thông minh thể hiện trong cách truyền đạt tư tưởng của mình qua con chữ, từ đó để tạo nên một cảm giác bung phá dữ dội trong suy nghĩ và sự sáng tạo.
Sẽ không tìm thấy ở tập truyện ngắn “Ram bô yêu dấu” một câu chuyện thật giật gân, thật lãng mạn hay một cái gì đó câu khách khác, nhưng đọc cả tập truyện, sẽ dễ dàng thấy “Ram bô yêu dấu” để lại một dấu ấn rất lạ, một dấu ấn mà ở đó khắc đầy đủ những chi tiết vẽ nên cuộc sống thực tại ngày hôm qua, ngày hôm nay hay cả ngày mai…cái cuộc sống vô cùng bình thường đang diễn ra quanh ta.
15 câu chuyện trong cả tập truyện ngắn là nơi gần như đăng đàn đầy đủ chuyện muôn mặt cuộc đời: từ truyện của một đôi vợ chồng trẻ xuất thân từ diễn viên múa, họ đã chia sẻ với nhau bao khó khăn cực nhọc mà vẫn còn nguyên đó một tình yêu, nhưng khi cuộc sống đã trở nên dễ thở hơn thì mọi chuyện lại khác: chồng bồ bịch, vợ bạc bài, gia đình gần như tan vỡ. Nhưng như thế cũng chưa đi đến hồi kết khi mà ai biết được cái ngày hôm nay còn xoay số phận của con người đến đâu? Và rồi cả những câu chuyện như: đề cập đến đối tượng là một đứa trẻ, đối tượng đáng ra phải được quan tâm chăm sóc nhất làm nhân vật bị quên và cuối cùng phải chết vì sự bị quên ấy. Đứa trẻ nửa như là nhân vật, lại nửa như là người kể chuyện, khiến người đọc cảm thấy lạ lẫm.
Lối viết tinh quái của Vương Văn Quang chứa đầy một năng lượng ở đó trộn lẫn hết tất cả những suy nghĩ, những tư tưởng, và quan điểm cách nhìn vào cuộc sống của anh. Không hy vọng một sự bung phá nào khác ở Vương Văn Quang được nữa, vì bản thân tư tưởng và sự tinh quái của anh trong cách viết đã là một sự bung phá không thể cưỡng lại rồi.
Ram bô yêu dấu dày 304 trang, giá 49. 000 đồng vừa được NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt ấn hành.
(Nhà sách Trí Tuệ)
Rambo yêu dấu

Tác giả Vương Văn Quang đứng vào vị trí của một người kể chuyện thường ngày, tất cả những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc sống được dọn hết lên mặt chữ. Cách viết hơi tinh quái, có vẻ như bàng quan nhưng câu chuyện đang kể thực tế lại vô cùng thâm thuý và sâu sắc. 15 truyện ngắn từ cuộc sống một đôi vợ chồng trẻ diễn viên múa cho đến chuyện một đứa trẻ phải chết vì việc bị quên lãng…
(Theo SGTT)
Người hùng Rambo và Vương Văn Quang
Tôi nhận lời thực hiện cho Vương Văn Quang một ít phụ bản vì lý do đơn giản: quý mến văn chương của anh, dù văn anh thuộc hậu hiện đại, xem ra khác những gì tôi thường viết và đọc. Có hề gì, văn chương có nhiều gương mặt, nhiều thái độ biểu hiện. Vương Văn Quang dữ dội và mãnh liệt, cái mà tôi thiếu và cũng thích đọc bổ sung cho cái thiếu của mình. Có thể nhận định Rambo yêu dấu là cuốn sách nên đọc.
(Tập truyện ngắn Vương Văn Quang, NXB Văn Học, 2009, 285 trang, 48.000 đồng)
Đỗ Trung Quân – SGTT

Cuộc sống đương đại trải hiện lồ lộ

Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế nào?
Chắc rằng, đây đã, đang và sẽ vẫn là một câu hỏi mà vì nó, nhiều người dấn thân vào địa hạt văn chương và rồi phải lao khổ với một công việc vốn chẳng bao giờ là dễ dàng: Viết. Như một sự ghi lại, một sự giải mã, một nỗ lực nhận thức và tự nhận thức về thế giới mà mình đang sống.
Tập truyện ngắn "Rambô yêu dấu" của Vương Văn Quang, là một kiểu biên bản ghi nhớ về thế giới của cái ngày hôm nay, cái đang ở thì hiện tại tiếp diễn. Và đó là một biên bản được viết ra bằng hai thứ ngôn ngữ khác biệt (đôi khi hai thứ ngôn ngữ này lẫn vào nhau): ngôn ngữ của sự mỉa mai chế giễu và ngôn ngữ của sự ngậm ngùi thương cảm.
Là mỉa mai chết giễu, thậm chí mỉa mai chế giễu đến mức cay độc, khi cái ngày hôm nay hiện diện như một sự lệch chuẩn, như một bất quy tắc, như một tiếng cười nhạo báng trước những gì là mục thước và hài hoà, như một đối lập của đạo đức và thẩm mĩ.
"Ram bô yêu dấu" để lại một dấu ấn rất lạ, một dấu ấn mà ở đó khắc đầy đủ những chi tiết vẽ nên cuộc sống thực tại ngày hôm qua, ngày hôm nay hay cả ngày mai…cái cuộc sống vô cùng bình thường đang diễn ra quanh ta. Cứ đặt Vương Văn Quang vào vị trí của một người kể chuyện thường ngày, thì thấy, tất cả những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc sống được dọn hết lên mặt chữ. Điều đó có thể cũng chưa hẳn có gì mới lạ và gây ngạc nhiên cho chúng ta, nhưng vấn đề là cách truyền đạt tư tưởng thông minh của Vương Văn Quang khiến chúng ta thấy thích thú. Cách viết hơi tinh quái, có vẻ như bàng quan với cái câu chuyện mà chính mình đang kể nhưng thực tế lại vô cùng thâm thúy và sâu sắc. Dễ nhận thấy ở Vương Văn Quang tư chất của một người viết thông minh.
(Nhà sách Xbook http//: www.xbok.com.vn )

Giới thiệu nội dung Rambo yêu dấu

Bạn đang sống ở “thì” nào? Quá khứ? Hiện tại? Hay tương lai? Trong biển cả ngôn ngữ, ta có thể bắt gặp những dòng tư tưởng, lối diễn đạt cùng chiều hoặc ngược chiều nhau. Sự đa dạng đó tạo nên đa phong cách, chiều sâu và giá trị của văn chương.
Đọc tác phẩm của Vương Văn Quang, bạn sẽ thấy sự gồ ghề như đi trên những con đường đầy ổ gà. Nhà văn Nguyễn Danh Lam đã nói rằng, khi soi sâu vào từng chi tiết trong truyện của Văn Quang như thể ta đang đối diện với những con đường xấu mà ta phải đi trên đó, để thấy sự chân xác. Ở đó, người đọc sẽ bắt gặp sự thông minh, tinh quái trong lối văn chứa đựng hai ngôn ngữ khác biệt mà đôi khi có sự hoà lẫn vào nhau: ngôn ngữ của sự mỉa mai, chế giễu và ngôn ngữ của sự ngậm ngùi, thương cảm.
Cái ngày hôm qua trong tập Rambô yêu dấu còn được miêu tả như là một thế giới đầy bất trắc, một thế giới không công nhận các tiền đề, một thế giới luôn xáo trộn, thay đổi - không phải theo hướng tốt đẹp hơn mà theo hướng xấu dần đi, mài mòn và làm mất dần đi những giá trị tích cực.
Mỗi câu chuyện trong cuốn sách đều chứa đựng nỗi ngậm ngùi thương cảm của tác giả khi ông nhận ra cái ngày hôm nay ầm ào, sôi sục ấy cũng có thể chính là biển đời mênh mông sâu thẳm dìm mỗi cá nhân vào sự bị lãng quên.
Nhân vật trong truyện Khói nhang trong buổi chiều thu đáng lẽ phải được quan tâm chăm sóc nhất, lại làm nhân vật bị quên và cuối cùng bị chết vì sự bị quên đó. Những phát ngôn nửa trực tiếp của đứa trẻ chính là lời nó tự kể về cái chết của mình. Giữa dòng đời, mỗi người chọn cho mình một lối sống, một hướng đi và đều mong muốn hạnh phúc bình yên trong tâm hồn. Nhưng có phải ai cũng làm và đạt được điều đó!
Đọc tập truyện "Rambô yêu dấu" bạn sẽ thấy mình đang được đồng cảm, đồng thời phát hiện ra những thiếu sót trong lối sống, tâm hồn của bản thân. Và tiếp theo bạn sẽ định hướng nên sống như thế nào?
Mời bạn đón đọc!
(Tổng cty sách Sài Gòn – www.savina.com.vn )