Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

LỚP GIÀ, HÃY TỈNH LẠI & TỰ VẤN





- Vương Văn Quang –
Trên Tuổi Trẻ Cuối tuần, 2/11/07 (Vì bài không lên trang tuoitreonline nên tôi không thể đặt link, mà tôi sẽ xin phép nhà văn đưa bài lên như kiểu phụ lục), nhà văn Hồ Anh Thái có một bài viết ngắn: Đi cho biết. Bài viết tuy rất ngắn, nhưng nhà văn đã gợi mở cho ta thấy nhiều điều, và điều gì ngẫm cũng … thấy đúng!
Ngại đi, sợ đi, an phận thủ thường, ít khát vọng, không thích khám phá, kĩ năng giao tiếp với thế giới bên ngoài kém (cụ thể là ngoại ngữ) …v.v. Mở đầu bài viết, nhà văn cho ta thấy, những thuộc tính ấy là của người Việt Nam, là đặc tính Việt Nam, nhưng đối tượng nhà văn muốn nhắm tới và phê phán, đó là giới trẻ. Điều này là đương nhiên (bởi vì nói điều này với lớp già thì chẳng hóa ra… bằng thừa ư?). Nhưng, có thật sự là như vậy không?


Người đọc cảm nhận một sự trách móc (dù là nhè nhẹ) của nhà văn với giới trẻ. Và đó chính là điều đáng bàn.


Xưa nay, ở trường cũng như ở nhà, trong sách vở, trên báo chí, người Việt Nam ta thường dậy bảo lớp trẻ, trách móc lớp trẻ, mổ xẻ chi li tỉ mỉ lớp trẻ, băn khoăn về lớp trẻ …Ở trường, thì ngay từ bậc mẫu giáo nhỏ (lớp mầm chăng?), người ta đã ra sức, thả sức mà nhét vào đầu lũ trẻ, cái gì người lớn làm cũng đúng, cái gì người lớn nói thì… cấm cãi. Khiến cho lũ trẻ nhìn người lớn nào cũng như biểu tượng của chân lý vậy.


Nhưng ngược lại, ít khi thấy người ta có những “thao tác” suy tư tương tự như vậy về lớp già. Điều này cũng có thể khẳng định ngay: đó là truyền thống của người Việt Nam. Tục ngữ thì: Cụ bẩy mươi còn phải hỏi cụ bẩy mốt, ca dao thì: Khôn đâu tới trẻ/ khỏe đâu tới già, Đi xa hỏi già/ về nhà hỏi trẻ. Và cái câu tục ngữ rất đáng ghét vì tính áp đặt, giáo điều, tuy có vẻ xuất phát bên Tầu, có vẻ là lời Khổng Khâu, nhưng người Việt ta lại ảnh hưởng nó một cách vô cùng sâu đậm: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du cú”, chính vì ghét cái “tư tưởng” này nên tôi lại thích cái câu tục ngữ đường phố, tuy nó có vẻ “hơi bị” láo: “Đã dại thì tới già vẫn dại”. Quả thật, thực chứng đời sống cho ta thấy, điều đó thường là …đúng. Ồ! Thế mới “đau” chứ lị


Tại sao người ta không suy tư, không một lần thử “mổ” lớp già để tìm nguyên nhân những nhược điểm của lớp trẻ hiện thời?


Giới trẻ Việt Nam thiếu tự tin, an phận thủ thường, là do kiểu cách giáo dục, ứng xử truyền thống của lớp già (lớp già này lại chịu ảnh hưởng điều tương tự từ lớp già trước, cứ như thế mà quay vòng, nó trở thành một “ý thức hệ dân tộc”). Có mấy gia đình Việt cho trẻ con ngủ riêng từ lúc lọt lòng ? Có mấy gia đình Việt điều kiện sống đầy đủ lại khuyến khích con cái “tự thân vận động”, tự lo cho mình một cách triệt để trong khả năng có thể ? Tâm lí luôn coi con cái là những đứa trẻ cần bảo bọc (dù chúng không còn trẻ, thậm chí đã già) là tâm lí của tuyệt đại đa số các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ Việt ! (Bà mẹ tôi, vào Sài Gòn chơi, nhưng tới bữa cơm luôn gọi điện ra Hà Nội cho ông con giai trưởng (bé bỏng 43 tuổi) để hỏi … đã ăn cơm chưa). Trong khi đó, câu chuyện của chàng thanh niên Che Guevara không phải là câu chuyện quá đặc biệt của thanh niên Âu-Mĩ.


Tôi từng biết một thanh niên Mĩ, vừa xong năm nhất đại học, bảo lưu kết quả và nhẩy tót ra đường, đi lang thang. Gã đi một loạt các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với chiếc ví lép kẹp, hay nói cho chính xác là với chiếc ví chỉ là ví. Thậm chí không thèm có cả cái ba-lô (hay có thể gã vứt đâu đó, khi cần thì ra… bãi rác kiếm lại chăng?). Hết tiền thì làm ra tiền. Việc gì cũng làm. Và gã sống tốt. Gã dậy Anh văn, kiếm cả ngàn dollar một tháng, trung tâm Anh ngữ nọ, vì lí do gì đó phải giải tán, gã đi làm… phu hồ (chuyện thật 100%, và chính vì gã làm phu hồ, nên tôi mới quen, và biết gã). Tới nay, gã vẫn lang thang đâu đó bên đất Chùa Tháp và chưa có ý định quay về.


Giới trẻ Âu-Mĩ làm được điều này không phải vì họ là công dân thế giới, hay công dân loại 1 như nhiều người vẫn nói, công nhận là có đúng, nhưng cũng chỉ là một phần vô cùng nhỏ, mà bởi “giới già” Âu-Mĩ biết “quăng quật” con cái một cách hợp lí, dưỡng dục một cách khoa học. Không có chuyện “nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa” con cái một cách thậm tệ vô lí như như các bậc phụ huynh Việt.


Với “bọn Tây”, chúng chơi đùa, ngã, khóc. Và cũng như trẻ con Việt Nam, chúng quay ra nhìn bố mẹ, ông bà. Nếu ông bà, hay bố mẹ “Tây” cũng lại “đánh chừa” cái sân làm em đau, “mắng mỏ” viên sỏi làm em vấp ngã, thì đương nhiên là trẻ “Tây” hay trẻ “Ta” sẽ đều cùng một giuộc cả. Nó càng gào. Gào thật lực. Nhưng khác với các bậc sinh thành Việt với cài trò rất ư vớ vẩn là “đánh chừa” cái sân, hòn đá, ông bà cha mẹ “Tây” sẽ tỉnh bơ như sáo sậu, quên đi, nhá! Khóc to càng khỏe phổi, hết đau hết khóc. Tự ngã thì ráng mà chịu đau.


Và vì vậy, hệ quả của nó sẽ là “Ỷ lại hay không ỷ lại. Đó là câu hỏi”. Ai hay qua lại các sân bay châu Âu, lại hay săm soi, để ý, thì sẽ thấy rất rõ. Ở góc khuất nào có tiếng trẻ con khóc to như gào, như thét, rõ là nhằm ăn vạ, thì 100 % là quân (châu Á) ta, trong đó chiếm tới ¾ là quân Việt mình đấy. Còn chỗ nào có tiếng khóc ti tỉ, khóc nho nhỏ, âm ức, thì đích thị là “bọn Tây”, cấm có sai


Vụ việc Vàng Anh vừa qua cũng là dịp cho các “nhà” mổ xẻ phân tích lớp trẻ. Họ gióng lên các kiểu chuông lớn chuông bé chuông rè chuông vang. Họ băn khoăn về một lớp trẻ mất phương hướng, thiếu lí tưởng sống, buông thả, hoang lạc, thác loạn. Họ nghiêm nghị cảnh báo về một cuộc “xâm lăng văn hoá”, về “mặt trái của toàn cầu hoá”, về một “cái giá phải trả cho phát triển kinh tế” của lớp trẻ. Toàn những hồi chuông rợn người mà ai cũng phải giật mình nhìn lại… lớp trẻ.
Khốn khổ ở chỗ ấy!


Một thao tác tối cần thiết là nhìn lại lớp giả, mổ xẻ lớp già, thì lại chẳng ai làm, hầu như không thấy ai nhìn, ai “mổ”. Quãng thời gian già hai chục năm, non ba chục năm là dài hay ngắn cho một “hành trình tư tưởng”? Cái “hành trình tư tưởng” khiến cho những giá trị đạo đức nền tảng nhất, cơ bản nhất bỗng chốc lộn tùng phèo (có quyền nói lái). Cách đây hai chục năm, “đàn bà chửa hoang” là điều ghê tởm sẽ bị “ném đá”, tình dục trước hôn nhân là điều cấm kị, “ăn cơm trước kẻng” là việc làm đáng xấu hổ và bị cộng đồng phỉ nhổ …v.v; vậy mà hôm nay, trong khi chương trình giáo dục (cả giáo dục nhà trường, gia đình, lẫn “giáo dục xã hội”) chưa hề công khai phê phán giá trị cũ, cổ vũ xiển dương những ưu điểm của giá trị mới, bỗng đùng một cái người ta la làng: “quan hệ tình dục là bình thường” (bất kể tình huống nào), “tự chửa, tự đẻ, tự nuôi là dũng cảm” … v.v.


Tôi không muốn bàn tới chuyện đúng sai, không muốn bênh vực cổ vũ cho “hệ giá trị” nào, bởi bàn về nó chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức; nhưng tôi muốn hỏi, phải chăng sự lấp liếm, nói lấy được, đổ thừa, đổi trắng thay đen là nhằm che dấu một vấn đề gì khác? Sự thiếu lí tưởng, buông thả ở lớp trẻ chắc không phải đến từ “toàn cầu hoá” hay bị “xâm lăng văn hoá”, nếu có cũng không đáng kể, mà nó đến từ chính lớp già, là kẻ trực tiếp nhất tác động đến nó. Xin đừng cãi rằng: “dưng cơ mà tôi dậy nó toàn điều hay lẽ phải”. Nói ngắn gọn, chúng ta đang thiếu một cuộc “tổng tự vấn”, thiếu một thái độ công bằng giữa lớp trẻ và lớp già. Có lẽ, cái chân lí phẳng cũ kĩ “dột từ nóc dột xuống” vẫn còn rất đúng.


Nếu lớp trẻ hôm nay khốn nạn thì chắc chắn là tại lớp già khốn kiếp, chứ không bởi gì khác. Con ông thượng tá công an “ấy nhau” với ngôi sao truyền hình rồi “quay phim ghi lại giây phút thăng hoa” chắc chắn có nguyên nhân từ một lớp già ưu tú như ông thứ trưởng đánh bài póp bướm, ông chủ nhiệm uỷ ban chính phủ xả xui bằng bướm trẻ em, chứ dứt khoát không phải từ “thế giới phẳng” hay “blog đen”, internet …


Hiện thực hôm nay luôn là hệ quả của hôm qua. Có lẽ, hơn lúc nào hết, đây là lúc rất cần một cuộc “tổng mổ xẻ”, “tổng tự vấn”, “tổng tự xỉ”.


Đặc biệt là của… lớp già!
-___________________
PHỤ LỤC
ĐI CHO BIẾT
- Hồ Anh Thái -
Khuyên người ta cứ loanh quanh ở trong nhà, đừng có ra với thiên hạ, người Việt có cả một kho ngôn từ phong phú.
Nào là tục ngữ: Sểnh nhà ra thất nghiệp.
Nào là ca dao: Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Từ đó hình thành một tập tính luẩn quẩn ở quanh nơi mình cư trú. Hễ định dấn bước ra bên ngoài lũy tre làng, bên ngoài thành phố của mình đều thấy có điều đáng ngần ngại, đáng đề phòng. Làm ăn vất vả, đời sống nhiều biến động... tạo nên tâm lý thu vén về gần, nương náu ngay tại nơi cư trú của mình. Ra với thiên hạ là chuyện “chẳng may”, là “tha phương cầu thực”, đến sống ở một nơi khác bị coi là dân “ngụ cư”...
Có một bộ phim gây tiếng vang năm 2004 mang tên Nhật ký trên xe gắn máy (The Motorcycle Diaries) kể về chuyến đi xuyên qua các nước Nam Mỹ của Che Guevara. Lúc ấy chưa phải là nhà cách mạng lừng danh mà là chàng trai tuổi đôi mươi Ernesto, còn nửa năm nữa mới tốt nghiệp thành bác sĩ, chuyên ngành bệnh phong, trong người lại mang bệnh hen suyễn nặng. Thế mà Ernesto quyết định bảo lưu kết quả học tập, rồi cùng một anh bạn lên đường. Xem cái châu lục mình đang sống nó ra làm sao. Hai anh chàng cưỡi trên một chiếc xe máy cọc cạch, bao phen lên bờ xuống ruộng, vậy mà đi được hơn bảy tháng trời, xuyên qua sáu nước. Chưa ra khỏi Argentina, “vừa mới” đi được 600 km, anh chàng sa vào một mối tình sét đánh. Dự định dừng chân hai ngày đã kéo thành tám ngày. Nếu ở lại làm rể một gia đình sung túc, anh sẽ có một cuộc đời bình yên, nhiều hứa hẹn. Mê đắm, nhưng phút chia tay “không hiểu tôi lấy đâu ra nghị lực để có thể quay đi, không nhìn vào mắt cô ấy”. Tình yêu ấy cũng đáng để cho anh mềm lòng ở lại. Nhưng nếu ở lại thì đã không có một chuyến đi thức tỉnh đến như vậy, sẽ khó mà có được một nhà cách mạng tầm nhìn rộng lớn như sau này.
Quay lại nhìn mới thấy thanh niên mình bây giờ ít có những chuyến đi lớn. Đôi ba cuộc du lịch mới chỉ là giang hồ vặt. Đôi ba chuyến công tác chỉ là do yêu cầu, tiện mà đi. Sao mà thiếu những người mười tám đôi mươi, một cái ba lô trên vai là chủ động đi khắp các châu lục, ít ra là khắp khu vực Đông Nam Á của mình!
Họ sẽ bảo: Đi thì ai chẳng thích, nhưng phải hiểu cho, để lên đường, chúng tôi cần rất nhiều thứ.
Họ cần gì?
- Cần ngoại ngữ,
- Cần tiền,
- Cần thời gian (phải xin phép nhà trường, xin tạm nghỉ việc cơ quan?)
Họ kể ra bằng ấy thứ, mới thấy cái thiếu cũng thật là lớn. Phong trào học ngoại ngữ có vẻ phát về chiều rộng mà chưa đủ cho giao tiếp thực sự, trước mắt là trong khu vực Đông Nam Á này thôi. Nô nức đi học thì nhiều, sử dụng cho được thì rất hạn chế. “Nói mỏi tay” thì ra với thiện hạ là chán, là ngại, là sợ bị lừa. Nói đến tiền để lên đường, nhiều nam thanh nữ tú không hẳn đã không tự lo được. Người phải lo thì hình như lại thiếu sáng kiến, thiếu một tinh thần phiêu lưu và khám phá. Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8-2007, có hai người bạn, một nam một nữ, thực hiện một chuyến xuyên Việt trên xe đạp. Nhìn ảnh trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần 5-8-2007 thấy hai cái xe đạp rất thường mà đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Mỗi người chỉ có 1 triệu đồng với gần 30 kg hành trang, mang theo cả xoong nồi, bếp ga, thực phẩm... Tức là họ đã biết lường trước những tình huống khó khăn, những vùng địa lý hiểm trở, những vùng khí hậu thất thường. Một khi đã quyết lên đường, những khó khăn lường trước chỉ càng gây hào hứng, không hề làm nhụt chí thanh niên. Đã quyết thì mọi vướng mắc đều có thể thu xếp được, ngay cả trước khi đi.
Người ngần ngại lên đường, khi ngồi kể ra những cái thiếu ở trên, tức là họ đang thực sự thiếu những cái khác nữa: thiếu tinh thần ham hiểu biết cái thế giới mà ta đang sống, thiếu tinh thần khám phá và thử sức trẻ ở giữa thiên hạ, thiếu khao khát có được những cảm xúc thật mạnh, thật mới mẻ, thật rộng lớn. Phải có cảm xúc ấy mới có lúc chuyển hóa thành sự thức tỉnh, sự giác ngộ, thành tinh thần liên kết những cá thể trên một diện rộng.
Nhưng thanh niên mình hình như cũng dễ tự bằng lòng. Xa xôi ngoài thiên hạ có thể là nhiều cái mới lạ, nhưng ở đây ta cũng ngày ngày vun vút xe máy trong phố phường trong làng xóm của mình. Ta cũng đi đó đi đây trong khu vực của mình. Ta cũng tụ họp, cũng đầy những thứ để khám phá. Một đời sống khá no đủ không có gì phải phàn nàn. Nói chuyện lên đường ư? Đã đi là đi hẳn hoi du học, đi làm việc hải ngoại, đi hẳn hoi mấy giờ bay. Xuyên Việt, xuyên Đông Nam Á bằng xe máy xe đạp, ăn thua gì.
Thế là thành tâm lý không đi xa tít được thì ta ngồi nhà. Ru rú ở nơi cư trú.
Nhưng đến đây thì cũng phải nói lại, người Việt từ xa xưa không phải chỉ là sợ ra với thiên hạ như đã nói ở trên. Tầng lớp trí thức trong xã hội ngày ấy cũng đã biết khuyên dân mình.
Bằng chứng là câu tục ngữ này: Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Bằng chứng là câu ca dao này: Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
Nữa: Trong nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta.
...
Tuổi trẻ Cuối tuần, 2-11-2007

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

ÔI TÓC EM DÀI ĐẾN THẦN THOẠI

Lưu ý: Trong lời một số bài ca, người viết cố tình “chế tác”, biến báo, đặng phù hợp với nợi dung bài viết muốn … tán. Ví dụ như từ “đến”, trong câu Ôi tóc em dài […] thần thoại, thực chất là từ “đêm”. [ặccặc]




Trong ba nhà thơ tên Sơn (tam Sơn), Sơn Huế là người nổi tiếng nhất. Nổi tiếng nhì là Sơn Núi_chỉ ai quan tâm tới thi ca mới biết ông này. Và hầu như không ai biết tới Sơn Bắc Kì_chỉ ai quan tâm tới thơ hậu hiện đại và diễn viên hài V.D mới biết ông này. Tác phẩm thành công nhất của Sơn Bắc Kỳ là trường ca : Giặt Quần (jeans wash)



Sơn Huế nổi tiếng, và được ưu ái, một phần nào đó bởi ưu thời mẫn thế, nhạy bén đổi mới tư duy. Đang hiện sinh chán nản phán "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" ông hớn hở hiện thực xhcn "em ở nông trường em ra nơi biên giới"



Nhưng trước khi được ưu ái bởi đổi mới tư duy, ông đã nổi tiếng vì những thủ pháp độc đáo trong dụng ngữ thi ca. Một trong những thủ pháp ấy là ... so sánh không cùng loại [trong bộ môn Phương pháp luận của ngành nghiên cứu côn trùng, thủ pháp này rất được ưa chuông và đánh giá cao]. So sánh giữa cái cụ thể và cái trừu tượng: Ôi tóc em dài đến (như) thần thoại. Dài đến thần thoại là dài thế nào? Đek biết, chỉ biết là ... hay, quá hay ! Hoặc cái để so chỉ có giá trị gợi cảm cho cái được so, chứ không có giá trị cân đo đong đếm cụ thể hạp tình hạp lý: Buồn như giọt máu. Rất trìu tượng, rất mơ hồ, và ... rất hay (sau này, lớp hậu sinh 8x, 9x cũng áp dụng thủ pháp này nhưng không mấy thành công: Buồn như con chuồn chuồn. Tiếc thay!) nhưng ai mà biết, giọt máu có buồn bao giờ không? Và nó buồn cỡ nào mà Sơn Huế mang ra so sánh! Thật trìu [mến] [tưởng] tượng!



*



Bài viết này là bắt chiếc (đúng phải là "chước", hay thật đúng chuẩn phải là "trước". Từ “trước” này là “trước” trong “trước tác”, trước tác cũng có nghĩa là tác phẩm. Vậy, “bắt trước” chính là bắt [lấy] tác phẩm của người khác về làm của mình, cho tiện. Nhưng thường người miền Bắc phát không chuẩn âm này, tựa như đọc "uống diệu" nhưng viết là "uống rượu") bạn Phan Bá Thọ. Bạn Thọ có một series entry như vậy, bạn để tags là poetry photo, nhưng tôi không bắt chiếc quả này, tôi để tags là "nhảm đàm".



Nói chút về chữ "bắt chiếc". Hồi xưa, bọn trẻ con hay trêu nhau "bắt chiếc ăn lồn cá diếc". Cá diếc là loại cá hoang, sống ở ao, hồ, đầm. Cá diếc mình nhỏ, dáng giống cá chép, nhiều xương răm, thịt ngọt. Và cá diếc cũng chẳng có lồn. Cá diếc thường nấu với dưa cải khú, ăn kèm rau sống. Mùa đông Hà Nội mà xơi món này thì tuyệt cú mèo. Cá diếc ngày nay chắc đã tuyệt chủng, vì người ta lấp hết ao, hồ, đầm, để qui hoạch hay kế hoạch gì đó…, mất rồi.



Chắc vì không còn cá diếc, nên ngày nay bắt chiếc là chuyện bình thường, không còn ai xấu hổ vì bắt chiếc. Cứ nhìn các vụ đạo văn đạo nhạc đạo thơ, đầy rẫy và tràn lan, thì đủ biết

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

ĐÊ VỒ (1)



Ở đây, kẹt xe không phải là sự lạ. Thấy lạ, có chăng là mấy thằng Tây ba lô. Khi xẩy ra một đám kẹt xe, tính văn hoá cộng đồng tiểu thị dân càng có cơ hội phát tiết. Còi xe inh ỏi — chỉ là bóp để mà bóp. Khạc nhổ, chửi bới. Những gương mặt lậm lừ bản lĩnh. Cần thì đánh ngay. Vui. Ghê.

Đầu tôi hình tam giác thường, góc nhọn bên trái, góc tù bên phải, trông như có sừng. Hậu quả của một ca đẻ khó và bác sĩ sản khoa giận hờn vô cớ. Hôm qua, tôi đi cạo trọc. Đầu hình tam giác lệch mà cạo trọc nom rất ngầu. Thằng bạn hoạ sĩ của tôi bảo, để tao “đì –zai” bộ mặt của mày, cạo trọc, nuôi râu cằm, vừa ngầu vừa nghệ. Tôi không cần nghệ, chỉ cần ngầu. Tôi muốn ngầu hơn đám đông, đơn giản chỉ để đề phòng những kẻ quá khích khi kẹt xe.

*

Hồi tối, đi với em vào một quán bar trên đường Lê Lợi, mấy đứa tiếp viên xổ một tràng tiếng Tây Tầu vào mặt. Choáng váng, bảo, nói tiếng Việt đi các em. Chúng nó đấm vào lưng nhau thùm thụp rồi lảng hết. Em cười sướng. Cái đầu trọc đang phát huy tác dụng.

*

Quán bar này có món nhậu rất lạ, được giới thiệu là món Mễ (hay Miên chả nhớ), nó rất nhiều hành, tỏi sống. Cay. Rất cay. Mồi với bia tươi rất tuyệt. Vào đây, tôi chỉ gọi duy nhất món đó. Vì giá rẻ. Tất nhiên, đó không phải là yếu tố quyết định.
Khi chia tay, chúng tôi hôn nhau, ngay trên đường. Đó là thủ tục bình thường của những cặp tình nhân thời bản sắc văn hoá dân tộc đang có nguy cơ lung lay. Hôn âu yếm như Tây. Đắm đuối. Mắt cũng dấp dính. Đèn đường, đèn xe, nhấp nháy, đuổi nhau, mờ nhoè tạo cảm giác như đang coi một triển 1 đầu đlãm ảnh nghệ thuật. Em bảo, mồm anh hôi quá, toàn mùi hành. Em ưa nói thẳng. Em là người có tư duy đơn giản. Những người có tư duy đơn giản là những người hạnh phúc. Càng giản đơn, càng hạnh phúc.

*

5 giờ chiều, giờ của những vụ kẹt xe lớn. Trên đoạn đường rày xe lửa khúc Hoàng Văn Thụ, người ta hạ ba-ri-e. 10 phút chờ đợi, một chiếc auto ray bé xíu như đồ chơi thong thả chạy trên đường rày, trên xe, chỉ có người tài xế, anh mơ màng hút thuốc trước hàng ngàn cặp mắt ấm ức. Một hình ảnh minh hoạ đặc sắc cho tinh thần mọi người vì mình. Thằng cha đi chiếc Dylan khạc nhổ, mặt tôi hứng trọn những vụn bọt li ti, thối khắm. Tôi rồ ga, húc mạnh vào đít xe nó, vỡ cả đèn hậu. Nó quay lại gầm gừ, tôi bảo, địt mẹ thằng thối mồm. Nó im re quay đi. Một lần nữa, cái đầu trọc phát huy tác dụng.

*

Hai tuần một lần, chiều tối thứ sáu, họp tổ dân phố, đây là thông lệ của 35% các khu dân cư. 65% còn lại họp tuần một lần, có khi hai. Thứ sáu tuần này, tôi tham gia cuộc họp đó. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia, lí do bởi gần đây, ông tổ trưởng dân phố nhìn tôi với cặp mắt rất hắc ám. Có thể cũng bởi cái đầu trọc và chòm râu cằm.
Cái gì chả có tính hai mặt. Hay nói cho sang là tính nhị phân của sự vật/hiện tượng.
Nội dung cuộc họp cũng giống với cuộc họp thường lệ sáng thứ hai ở cơ quan tôi. Ông tổ trưởng dân phố kiêm bí thư đảng uỷ phường, là cựu chiến binh, con cái phương trưởng, tinh cỡ giám đốc công ti hữu hạn nên rất tích cực trong hoạt động công tác xã hội. Ông báo cáo diễn biến tình hình thế giới, tình hình “diễn tiến hoà bình” của các thế lực thù địch, tình hình chế độ ta bảo đảm quyền tự do dân chủ nhân quyền. Ông lên án gay gắt một nhân vật X. nào đó, lợi dụng dân chủ tuyên truyền bôi xấu chế độ. Rồi ông kết luận, lớp trẻ là tương lai đất nước, cần đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu của địch. Ánh mắt ông dính lên trán tôi, đầy ngụ ý.
Rất có thể ông nghĩ, cạo trọc đầu, nuôi râu cằm là biểu hiện của sự “phản động”. Ông không biết rằng, lớp trẻ chúng tôi còn quá nhiều việc để quan tâm, để chơi, để xả láng.

*

Chiều nay, gần cổng cơ quan tôi, có ông hói trán dựng chiếc @ láng coóng bên vệ đường, đứng đái. Một tay ông cầm chim, một tay ông giữ xe. Có người đi qua, làm bắn nước (trời mới mưa, rất nhiều vũng nước trong thành phố) lên chiếc @, hói quay ngoắt lại, mẹ cha cái quân vô ý vô văn hoá, bất lịch sự, mù à... Hói chửi.
Tôi không thấy ngạc nhiên. Ở đây, ai mắng ai là mù, là bất lịch sự, là vô văn hoá, cũng đúng. Ở đây, ngành văn hoá đi đo từng tấc váy ca sĩ, nhưng vạch chim đái đường một cách khêu gợi thì ai chẳng đã từng.
Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, vựa tôm cá của quốc gia, nhà vệ sinh không có cửa nên khi hành sự, mọi người lấy tay che mặt. Cũng như thành phố, khi cần đái đường, chỉ cần tìm một gốc cây, bức tường, mà úp mặt vào là ổn. Mặt thì mỗi người mỗi vẻ, còn chim cò ai chả giống ai? Công an nhận diện/truy nã tội phạm bằng tấm hình chân dung, tức khuôn mặt, chứ có bao giờ đi nhận diện bằng cách nhìn chim? Khôn thật!
4000 năm từ vượn thành người, may ra thơm tho hơn chút xíu, vì mĩ phẩm bây giờ nhiều và rẻ. Còn thì đâu hoàn đấy

*

Dạo này mắt tôi kém quá. Đi khám, đo mắt, bác sĩ phán, cận. Bụp phát, hai độ ngay. Hệ quả của tám giờ vàng ngọc trong cơ quan, tôi dán mắt vào màn hình vi tính, chơi game. Em khen, anh râu cằm đầu trọc, đeo kính cận giống Hàn Quốc ghê.
Văn hoá phim bộ Hàn Quốc là thứ văn hoá thời thượng, nó đang/đã ăn sâu bén rễ trên xứ sở này. Kệ bản sắc dân tộc, giống Hàn Quốc là điều đáng tự hào, dù chỉ là “giống” cái mặt.
Bữa trước, lang thang trên vỉa hè khu trung tâm, mấy em rối rít, du... du, gô dù, gô dù, dù thi hăn rịt, pho hăn rịt pho oăn nai (2).Tôi rảo bước nhanh, mấy em láo xáo, đù má nói thách cao nó chạy là phải, ra kia đốt phong long.
Cũng chẳng ngạc nhiên, bởi em nói tôi giống Hàn Quốc.

*

Thằng bạn từ thời để chỏm “meo” cho tôi, cuối tuần ra sân bay đón tao, đợt này tao về cùng với phái đoàn Việt kiều yêu nước. Bạn tôi là Việt kiều Nhật, thành phố Kôbê. Việc nó định cư ở Nhật cũng lắm li kì. Nhà văn Hồ Anh Thái viết truyện “Chạy quanh công viên mất một tháng” đọc đã li kì, nhưng chưa sánh được với chuyện bạn tôi. Nó bảo, tao đi ỉa mất hăm lăm năm mới về nhà. Nó về nước lần đầu năm hai lẻ ba
Nhà nó gần bãi biển, hôm đó, đi ra bãi biển ngồi đại tiện, ngờ đâu, có đám vượt biên, hai bên cùng nhìn thấy nhau, đám vượt biên sợ nó về tố nên tóm nó theo luôn. Chuyến vượt biển bình an vô sự, không gặp bất trắc nào như phần lớn đám vượt biên thời đó. Cập bến Nam Dương, vật vờ ba tháng, được vào Nhật. Êm và gọn.
Hay thật, hai mấy năm trước đi ỉa bậy, giờ thành Việt kiều yêu nước thập phần danh giá. Tao ở trong nước, làm việc lòi mắt mà nào có ai khen yêu nước bao giờ. Tôi hậm hực. Thế thì có gì đáng nói, lắm thằng vượt biên, bị bắt lại, bị bỏ tù vì tội phản quốc, ra tù, lại vượt, thoát, giờ về cũng Việt kiều yêu nước. Chuyện thường thôi. Lưỡi người đời mà. Nó thao thao bất tuyệt. Đúng là ngoại quốc về có khác. Trên thông thiên văn, dưới tường chánh trị.
Bạn tôi nghề chính là đi thó đồ trong siêu thị, nghề phụ là gá bạc tại gia. Hàng hoá trong siêu thị Nhật Bản thì bao la, nó khoe. Từ những thứ lặt vặt như thỏi son, quần xìlíp phụ nữ cho tới những thứ giá trị như camêra, đầu DVD, máy ảnh số ..., chúng nó thó tất. Cũng đôi khi bị bắt, nhưng chả sao, cảnh sát Nhật coi đây là ăn cắp vặt, chỉ phạt qua loa. Hàng hoá đó tuồn về Việt Nam, thông qua đội ngũ thuỷ thủ tầu viễn dương, tiếp viên hàng không. Đi ăn cắp vặt nhưng là vặt với thiên hạ, bạn tôi mỗi lần về nước về nhà là mỗi lần vinh qui bái tổ.

*

Chòm râu cằm tôi mọc dài/ rậm. Thằng bạn hoạ sĩ bảo, nghệ lắm rồi. Tôi không biết độ nghệ có lớn hơn độ ngầu, nói chung, tôi thích ngầu hơn. Nhưng nghệ kể cũng thích. Thằng hoạ sĩ khen nhiều, khiến tôi cảm thấy mình là nghệ sĩ thật. Cũng đú đởn tí tởn, nhạc một tí, văn một tẹo, thơ một chút, hoạ một chụt..., vân vân, đủ trò, gi gỉ gì gi cái gì cũng chơi tuốt. Cũng có cái hay, tám giờ vàng ngọc ở cơ quan, tôi sáng tác, không còn chơi game nữa, mang tiếng chết.
Lại nghe, nghệ sĩ phải dấn thân, nên vỉa hè đầu đường xó chợ, nhậu nhẹt bét nhè không quản ngại. Tháng chỉ tắm hai lần, dù thời tiết Sài Gòn thường trực băm lăm độ xê. Đánh răng thì khỏi nghĩ, lâu lâu cỡ tuần lễ, mươi ngày mới cọ quẹt chút đỉnh. Ánh mắt luôn đắm chìm vào hư không cứ như Jean-Paul Sartre, dù đầu rỗng tuếch chẳng biết suy nghĩ gì.

Cứ dấn thân, chán thì tháo thân. Không phá chấp thì phá bĩnh. Chả có gì quan trọng.

*

Sáng chủ nhật tuần rồi, đưa em đi ăn phở, em cứ ẽo ợt khêu từng sợi, rồi trều cặp môi đỉa trâu, bảo, em xinh đẹp thế này mà phải đi làm bằng xe đạp, cả viện (em làm hộ lý viện tâm thần) họ đàm tiếu. Tôi giả vờ điếc, cứ cắm cúi ăn. Ăn xong, quay sang, tô phở em vẫn nguyên si. Chán cảnh, tôi bước ra lấy xe, về thôi em. Em vẫn im lặng. Tôi đề máy, em hớt hải, chờ em với, rồi em dốc ngược tô phở vào họng, lấy đũa quẹt hai bên mép, gọn ghẽ.
Em đã bắt đầu không coi cái đầu trọc, chòm râu, cặp kiếng của tôi ra gì. Em mang điều phiền muộn của em đi kể khắp lượt với đám bạn tôi. Quyết liệt hơn, giờ em ăn hay uống đều theo cái tiết tấu ăn phở sáng hôm chủ nhật, tất nhiên, khi có tôi bên cạnh. Thật may, thằng bạn Việt Kiều bơm cho ít tiền, sắm ngay cho em quả “uây” Tầu — một trong những tác nhân quan trọng gây kẹt xe. Nhẹ cả người, cứ như vừa xả ra một tác phẩm để đời.

*

Chiều mai, thằng bạn Việt Kiều của tôi về nước. Kì này, nó góp vốn với một công ty quốc doanh, thực hiện dự án nuôi bò tót trong môi trường nhân tạo. Nó cho biết, số vốn bỏ ra khá lớn, giá trị dự án không dưới giá trị ba công-ten-nơ đồ lót phụ nữ nhãn hiệu Triumph. Nó thủ thỉ khuyên tôi, tam thập nhi lấy vợ, thôi, cưới đi, đàn bà con gái lành lặn như nó thì hâm hấp là tốt. Chứ có chút nhan sắc, lại tinh khôn thì không phò phạch, gái bao, gái gọi, nó cũng cặp bồ hay tìm chồng ngoại quốc, đâu tới lượt mày... Nhá, cưới đi nhá..., có gì “meo” cho tao.
Tôi nghe nó khuyên rồi thở dài đánh thượt. Tháng này, có hai nhà thơ được xuất ngoại, vì dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại châu Âu. Một thằng đi im như thóc, không kèn không trống. Một thằng đi có 67 tờ báo, từ trung ương tới địa phương, đưa tin. Trong đó có cả tờ nội san của công ty thuốc sát trùng. Không biết thơ thằng nào hay hơn thằng nào, nhưng theo lí tự nhiên, giới động/sinh vật khi khoe mẽ hoặc hù doạ kẻ thù, chúng đều giương vây, xù lông.

*

Sinh nhật em, tôi đưa em lên quán café Panorama, toạ lạc trên tầng lầu 33 toà nhà Sài Gòn Tower. Giá café ở đây cao gấp 19 lần giá café ở quán tôi vẫn ngồi mỗi sáng. Chỉ hai đứa dưới ánh nến lung linh. Em bảo, năm nay không muốn tụ tập bạn bè.
Từ tầm cao này, Sài Gòn về đêm hiện ra thật đẹp. ánh sáng rực rỡ lung linh trải dài tới chân trời như một dải thiên hà. Sài Gòn nhìn từ thật cao, thật xa nào kém gì Paris, kinh đô ánh sáng. Bóng bẩy ngoài da là tốt lắm rồi.
Chúng tôi ra về khi quán đã hết khách, trong thang máy chỉ có hai đứa. Chúng tôi hôn nhau trong thang máy, cứ như phim ngoại quốc. Thật lãng mạn.
Nụ hôn hơi ngắn. Em bảo, mồm anh thối quá. Tôi khum hai bàn tay vào mồm, rồi phà, rồi hít, tuyệt nhiên chẳng có mùi gì. Lạ thật. Em cười, bảo, không ai ngửi thấy mùi thối của mồm mình.
Ừ, có ai ngửi thấy mùi thối từ mồm mình?
Tôi thở dài, có khi anh bị hở van dạ dầy? Em lại bảo, chả phải hở đâu, anh bớt dấn thân đi, chăm đánh răng, đừng mơ màng văn thơ nữa, sẽ hết thối chăng.
Ôi, em. Em tư duy đơn giản. Em hâm hấp chập cheng. Nhưng em thật thà, và đôi khi thổ ra những điều rất gần chân lí. Có lẽ, cuối năm nay tôi sẽ cầu hôn em.

*

Trên đường về, chúng tôi gặp đám kẹt xe. Kẹt xe vào lúc nửa đêm thì có hơi lạ, hơi bất thường. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Thậm chí còn cảm thấy thú vị.
Cái bất thường không ở trên trời rơi xuống. Cái bất thường sinh ra từ những cái bình thường. Cái bất thường rồi sẽ trở nên bình thường.
Ở đây đang cần nhiều cái bất thường.
SG – 03/11/05

------------
(1) Đơn giản là không có đầu đề. Không lien can tới ngôn ngữ ngoại quốc (devil)

(2) Tiếng Anh bồi pha tiếng lóng việt. Tạm dịch: Anh …anh, đi dù, đi dù, dù ba trăm, bốn trăm qua đêm

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

BÍ MẬT VỀ NHỮNG CON HẢI MÃ



Ông Tầm Lập năm nay mới ngoài tứ thập tí tẹo, còn lâu mới đến ngũ thập nửa đời. Ấy thế mà đã hay xoa bụng cười hả hê mãn nguyện với bạn bè mỗi khi ăn nhậu đẫy tễ “Các cậu còn phải phấn đấu. Tớ là tớ về hưu sớm. Vất vả đủ rồi. Cống hiến đủ rồi.”

Chả biết Tầm Lập cống hiến cho ai cái gì ở đâu, nhưng quả là có thời kì dài ông ta vất vả thật. Lăn lê bò toài đủ ngành đủ nghề nhưng chẳng ngành gì ra nghề gì, nói chung là thất bại. Lúc thấy làm ông chủ cơ sở hóa mỹ phẩm chuyên sản suất thuốc hôi nách. Lúc lại thấy chạy xe cầm loa rao bán keo dính chuột. Đùng cái thấy xuất hiện trên phim truyền hình. Vai chính. Chính diện. Bộ đội giải ngũ về làm bí thư đảng ủy xã. Vai rõ hợp mặt, kiểu mặt ngu ngu hiền hiền nhìn là ra bí thư đảng ủy xã. Ấy thế mà vẫn không ăn thua, không thành sao, không nổi tiếng. Sau phim ấy thấy mất dạng, không xuất hiện trong phim nào nữa. Im hơi lặng tiếng một lèo dễ đến nửa năm. Đùng cái thấy trên tivi giới thiệu ban nhạc dân tộc cổ điển tổng hợp, chèo cổ tuồng cũ cô đầu xẩm chợ hô bài chòi: Vách Đất. Người sáng lập đồng thời làm trưởng nhóm là nhạc sĩ kiêm ca sĩ Tầm Lập. Xuất hiện mấy lần chứ chả phải một. Phỏng vấn phỏng viếc đủ cả. Nhưng vẫn lận đận, không nổi lên được. Chả đâu mời biểu diễn. Ra an bum không bán được cái nào dù trưởng nhóm kiêm người sáng lập đã phải vác xe xách loa đi rao bán như rao bán keo dính chuột. Sau lần làm ca sĩ dân tộc tổng hợp không thành, ông Tầm Lập lặn mất tăm, không ai thấy/gặp ở đâu, từ tivi đến đầu đường vỉa hè xó chợ. Có nhẽ đã ổn định !?

***

Nói ra thì bảo ngược đời, nhưng quả đúng như vậy. Hồi bao cấp, kinh tế đất nước còn khó khăn, thực phẩm còn khan hiếm nhưng người ta ăn uống thanh tơ nhỏ chỉ tao nhã tinh tế lắm. Mà cũng chả phải do kinh tế khó khăn thực phẩm khan hiếm người ta mới như thế. Trước thời bao cấp, Hà thành thuộc Pháp, một trong những niềm tự hào của người Hà Nội là chuyện ăn chuyện uống. Bát phở Hà Nội nước dùng cứ phải trong văn vắt, óng ánh ít giọt béo nổi lên trên mặt như thể gấm Bombay, cứ như là cố tình trang trí. Vị nước ngọt mềm đầu lưỡi mà tuyệt không một hạt bột ngọt, chỉ xương là xương. Riêng cái vụ thái hành cho phở cũng đòi hỏi nhiêu khê lắm. Phải nhuyễn, đều tăm tắp. Chả như bây giờ, người ta thái hành cho phở mà cứ như băm rau cho lợn. Có ông vào quán phở dõng dạc: “Cho tô đặc biệt”. Ghé mắt liếc qua, thì ra đặc biệt là phải đủ, từ gia cầm tới gia súc. Bò chín nạm gầu vè gân nằm một góc. Bò tái băm chuyễn một tảng như tảng thịt trong bánh kẹp bơ gơ để một góc. Thịt gà chặt. Chặt nhá, vuông thành sắc cạnh chứ không được xé, một góc nữa. Chan nước xong tưởng thoát, nào ngờ, bẹt bẹt bẹt, ba phát, ba quả trứng gà ta bỏ lòng trắng lấy long đỏ bỏ vào một góc là đủ bốn góc vuông vắn. Bầy nhầy một bãi, chả biết nên gọi là bát phở hay không nữa.
Sau thời bao cấp, lương thực thực phẩm không còn là chuyện lớn, nghệ thuật ẩm thực của cả nước Việt nói chung, vẫn là niềm tự hào. Chả thế mà ngành du dịch nhăm nhăm chọn ẩm thực là mũi nhọn đột phá lôi kéo khách quốc tế. Thời gian hậu cởi trói hậu mở cửa, kinh tế khấm khá lắm rồi, người ta vẫn ăn uống đàng hoàng. Vẫn cái gì ra cái đó. Chẳng đến mức thanh tao tinh tế thì cũng phải cầu kì sành điệu hay ít nhất cũng phải đàng hoàng tử tế đâu ra đó. Riêng món lẩu thôi, đếm sơ cũng phải hơn hai chục loại ngót ba chục loại từ Bắc vào Nam từ Nam ra Bắc. Lẩu cá, lẩu lươn, lẩu baba, lẩu mực, lẩu gà, lẩu hải sản, lẩu mắm, vân vân và vân vân, riêng lẩu cá cũng phải dăm loại mươi kiểu. Cá chép, cá điêu hồng, cá trạch, cá kèo, cá lăng, cá linh … Nhiều loại nhiều kiểu nhưng nước dùng cho thứ nào ra thứ đó, không dùng chung. Lẩu sôi phà mùi ra là biết ngay lẩu gì dù thực khách chẳng phải thứ sành. Lẩu nào rau nấy, đâu ra đó, không có lèm nhèm

***

Có lẽ cái sự tạp nham trong ăn uống lên cao độ cũng mới đâu đây thôi. Hình như từ thời ta ra nhập WTO với tham gia Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc thì phải. Đúng là ngược đời thật rồi, khỏi nghi ngờ. Phú quí chẳng sinh lễ nghĩa mà sinh rặt thứ tạp nham dung tục.

Các cụ nói cấm sai, gần mực thì bia gần đèn thì thuốc. Chơi với Tây với Tầu nhiều nên ăn uống dở Tây dở Tầu dở ta, đến gớm. Cũng có khi lối sống bệ rạc, từ ăn tới mặc, từ ị tới yêu…, bô lô nhếch thật sự phát tiết cao độ khi mà trong nước xuất hiện sàn giao dịch chứng khoán cũng nên !

Từ hồi có sàn chứng khoán nhiều ông lắm bà bỗng dưng một bước lên xe xuống ngựa. Bởi thế nên ngồi đâu người ta cũng nói chuyện chứng chuyện cổ. Nhà nhà chơi chứng người người mua cổ. Sàn chứng khoán giúp cho nền kinh tế Việt Nam ra sao chả biết, nhưng biết chắc từ sàn chứng khoán này sản sinh ra một lớp người bổ sung cho một giai tầng mới của xã hội Việt hiện đại. Giai tầng tàn tật, con người chấm phẩy lúc lắc chân tươi chân héo. Chân tươi lực lưỡng kinh tế vi mô vĩ mô. Chân héo teo tóp văn hóa văn hiến. Có khi thế nên mới sinh ra cái sự ăn uống như hiện nay. Từ Bắc vô Nam nối liền núi sông, tổng động viên có khi ra được mỗi một thứ lẩu: Lẩu thập cẩm. Ấy là mình nói thế, chứ người ta vẫn gọi nhiều kiểu nhiều loại như xưa, giấy trắng mực đen trong mơ nu mê niu cũng thế, cũng vẫn đủ kiểu cả. Cũng lẩu cá, lẩu tôm, lẩu lươn, lẩu gà…, nhưng lẩu gì thì cũng chung một nồi nước dùng hầm từ xương lợn hay xương … gì cũng được. Có khi cũng chả cần xương, chỉ cần nồi nước sôi đủ 100 độ xê rồi quẳng vào gói hóa chất madein China là OK to bằng nắm đấm. Lẩu gì cũng từng ấy loại rau. Cấm đòi hỏi, cấm cãi. Nếu có đòi hỏi có cãi cũng là đòi hỏi buồn cười cãi cười buồn. Đòi rau cải xoong nhúng lẩu lươn, cải chíp nhúng lẩu cá, tía tô xơi kèm lẩu bò…và vân vân, chưa kể màn bất cứ lẩu gì cũng đòi thêm mấy quả trứng vịt lộn sống để đập vào cho nó… bầy nhầy. Nhìn trung, mốt thập cẩm ngũ vị hẩu lốn tả pí lú đang được ưa chuộng. Lẩu được chuộng vì đáp ứng tối đa mốt này. Quẳng cái gì vào lẩu cũng được và cái gì cũng quẳng vào lẩu.
Có khi, người ta đòi hỏi buồn cười như thế vì lúc đó đầu đang mải nghĩ về cổ phiếu. Cũng có khi, người ta chuộng mốt thập cẩm ngũ vị vì ít thời gian quá. Bận làm bận chơi bận mưu bận mô, thời gian sống ít quá nên tem pô sống tăng nhanh. Nhịp sống dồn dập nên cái sự ăn uống phải làm sao mà đáp ứng được yêu cầu đủ vị đủ chất đủ … các thứ trong cùng một miếng.

***

Hóa ra, thời kì ông Tầm Lập im hơi lặng tiếng là vì ông ấy âm thầm lên sàn. Âm thầm trúng mấy vụ to. Giờ thì Tầm Lập ngon rồi. Đúng lúc thị trường chứng khoán chao đảo thì ông ấy rút vốn ra hết, đầu tư vào địa ốc. Tuy không ăn lớn như chứng như cổ, nhưng chắc như cua gạch. Giờ đây ông ta xoa bụng đòi về hưu là phải rồi.

Nhưng ông Tầm Lập về hưu còn một lí do khác. Lí do hơi tế nhị. Đó là chuyện ấy của ông ngày càng kém. Nó kém một cách trầm trọng khi ông đang hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Càng trúng lớn thì càng kém tợn. Gần đây, ông rút vốn kịp lúc, đầu tư vào bất động sản thì nó bất động luôn. Ông về hưu cho thêm thời gian thể dục thể thao, thêm thời gian thư giãn nghỉ ngơi đầu óc. May ra …

Ông hay mang nỗi niềm ra than thở với mấy thằng đàn em thân tín trong những lần nhậu nhẹt. Có thằng đàn em trong nghe chuyện, nó mang tới biếu ông bốn cặp cá ngựa hay còn gọi là hải mã. Theo như nó nói, đây là loại cá ngựa gì gì đó ở vùng biển gì gì đó, mua rất đắt và rất khó. Bốn cặp đủ bốn đực bốn cái, đúng như sách dậy. Ngâm rượu cùng với mấy vị thuốc bắc, hạ thổ một trăm ngày mang ra dùng đảm bảo mạnh như máy gặt đập liên hợp hai trăm mã lực. Mẹ mày, ông cần một mã lực cho tử tế là được rồi, đừng có bốc phét quá đáng.

***

Thằng đàn em về rồi, ông Tầm Lập cứ tần ngần ngắm tám con cá ngựa xếp hàng nằm dãi thẻ như duyệt binh trên bàn. Tám con bằng tám ngón tay cái nhưng dài gần gấp đôi. Đen sì. Bốc mùi tanh hoắm. Chả biết có nước mẹ gì không đây …, thôi thì có bệnh vái tứ phương, ông Lập đi mua đủ mấy vị thuốc bắc như thằng đàn em dặn, cho cả vào cái bình thủy tinh to, đổ 5 lít rượu trắng loại hảo hạng, rồi hì hục cậy hai viên gạch men giữa nhà, đào một lỗ sâu, hạ thổ

Sau trăm ngày, ông Tầm Lập moi hũ rượu lên. Mở nắp, mùi rượu thuốc phà ra thơm nức khắp nhà. Ông chiết ra cái chai sứ hình bong bóng trâu như mấy tiên ông hay đeo bên hông. Rồi ông cẩn thận rót ra đúng một ly hột mít, chíp một phát, khà một tiếng. Chả biết công dụng tới đâu, nhưng mà ngon. Ngon thật.

Từ hôm đào hũ rượu, cứ ngày ông Lập làm đúng bốn ly hột mít. Sáng sớm một, trưa một, chiều tối một, đêm trước khi đi ngủ một.

Và ông thấy hình như có công dụng thật.

Ông thấy sức khỏe lên trông thấy. Mặt đỏ hây hây như gà chọi đang lớn. Đặc biệt, hình như nó có động đậy chứ không còn tình trạng cùng tên với ngành nghề ông đang kinh doanh nữa. Thỉnh thoảng ghé thăm mấy cô bồ hoặc viếng loan phòng bà xã, ông đều thành công mĩ mãn. Bà nó hay cô ấy, nói chung là đối tác, đều nể ông ra mặt.

***

Nhoáng cái, bình rượu quí của ông Lập đã hết sạch. Tần ngần tính tính toán toán, thì ra cũng được hơn tháng gần hai tháng trời. Ông Tầm Lập quyết làm bình nữa. Tính ra thì cũng đắt, đắt ngang ngửa mấy anh rượu Tây chứ bỡn à. Nhưng chuyện tiền bạc với ông Lập bây giờ không là cái đáng quan tâm. Phen này ông phải nhờ nó mua tám cặp, không, mười hai cặp cho xung luôn thể. Ông gọi điện thoại cho thằng đàn em, ông khen nức nở công dụng, rồi ông nhờ nó mua luôn cho ông mười hai cặp nữa. Chuyến này ông chơi một bình to đại tướng chứa hai chục lít rượu. Làm là làm một thể, cho bõ công. Thằng đàn em được ông khen, khoái trá cười, rồi nó hứa sẽ mua giúp ông. Nhưng lâu đấy, loại hải mã ấy là loại đặc biệt, không phải muốn mua lúc nào cũng được, phải đặt trước ngư dân mãi vùng biển ấy nên đại ca phải chịu khó chờ…, nó nói.

***

Ông Tầm Lập đã định mang chỗ bã rượu đi đổ, nhưng khi mở nắp, mùi rượu, mùi thuốc bắc vẫn thơm sực phà ra khắp nhà. Ông lôi ra một con hải mã, đưa lên mũi ngửi. Tuy đã ngâm rượu với thuốc bắc nhưng mình tanh đặc trưng ở con hải mã vẫn còn thoang thoảng. Mùi tanh này kết hợp với rượu trắng, thuốc bắc cho ra một mùi rất đặc biệt. Chả thể gọi là tanh nữa, mà phải bảo là thơm mới đúng. Thơm quá. Bỏ đi thì tiếc ! Hay là đổ thêm tí rượu vào làm tí nước sái ? Bất đồ ông vỗ đùi đánh đét, phải phải, sao không làm cái lẩu cá ngựa nhỉ. Lẩu hải mã, lẩu hải mã. Nghĩ là làm luôn, ông Tầm Lập nhắc điện thoại cho mấy thằng đàn em vẫn hay ăn nhậu với ông. Tính cả thằng ông nhờ mua hải mã là bốn thằng tất cả. Ông alô chúng nó, lệnh triệu tập chiều xuống nhà ông xơi đặc sản

Buổi chiều xâm xẩm tối, mấy thằng đàn em ông Tầm Lập đã tề tựu đông đủ. Vài món khai vị lai rai với chai Chivas loại 12 năm với 1 thùng Heineken chữa lửa.

Món chính, món đặc sản là cái lẩu hải mã.

Ông Tầm Lập bỏ cả chỗ thuốc bắc trong hũ rượu vào cái lẩu. Ông bỏ thêm vào lẩu ba khẩu súng bò, tức pín bò nguyên bộ cả cần lẫn bi. Nước dùng cho lẩu, ông hầm mấy kí xương cả bò cả lợn. Đúng là đặc sản thật, mùi thuốc bắc quyện với mùi xương, mùi thịt, thành một mùi thơm khó tả. Gần giống với mấy món tiềm thuốc bắc của mấy chú ba Tầu. Đồ nhúng lẩu có đậu phụ, có thịt bò thăn, có cá quả lóc xương thái lát, có tim, cật, vài bộ óc lợn, có mầm cải xanh, có giá trộn đầu hành, có cải cúc cải chíp cải thảo cải đắng cải ngọt…, đủ trò đủ kiểu.

Sau khi qua hai tuần rượu, nồi lẩu bắt đầu sôi to, mùi thơm phà ra càng quyết liệt. Các ông bắt đầu nhúng nhúng húp húp sì sì soạp soạp. Ngon. Ngon thật. Ngon quá. Anh đích thân làm món này à. Chứ sao, chả tao thì ai làm. Bái phục đại ca, giờ mới biết đại ca còn là tay bếp siêu đẳng. Ăn đi, pín bắt đầu mềm rồi, ăn được rồi này.
Trong quá trình ăn, thỉnh thoảng ông Tầm Lập cũng như mấy thằng đàn em đều vớt vào bát mình con hải mã, nhưng khi đưa vào mồm thì chủ cũng như khách đều nhả ra, rồi bỏ lại vào nồi lẩu. Cứ để tí nữa, vẫn dai lắm. Của quí của hiếm bao giờ chả dai, chả khó xơi khó nhằn.

Chủ khách lại chan húp nhúng, lại sì soạp. Mọi đồ nhúng lẩu đã hết. Rượu bia cũng gần hết. Pín bò, là thứ phải hầm lâu, mà cũng đã nhũn nhoẹt và cũng đã hết. Trong quá trình đó, các ông vẫn thỉnh thoảng kiểm tra chất lượng sản phẩm, là thử con hải mã. Nhưng hầu như nó chả suy suyển. Bữa tiệc coi như đã kết thúc nhưng món chính, món đặc sản của bữa tiệc là bốn cặp tức tám con hải mã thì vẫn nằm ngay ngắn nghiêm nghị trong nồi lẩu.

Không hiểu nó được cấu tạo bởi những cái gì mà hầm mãi chả nhừ nhỉ ? Ôi giời, ai mà biết. Nhưng mà đồ quí thường hay có một cái gì đó đặc biệt. Phải rồi, như là làm rắn hổ mang chẳng hạn, người ta không rửa bằng nước mà phải rửa bằng rượu. Rắn hổ kị nước lã, biết chưa … Chủ khách cùng luận bàn rôm rả.
Em có thằng bạn làm ở phòng thí nghiệp xí nghiệp dược phẩm, em sẽ nhờ nó phân tích thành phần, xem nó có gì đặc biệt mà dai thế - Một đàn em ông Tầm Lập nói
Ừ, phải đấy. Xem là nó có cái gì mà giúp thằng cu của tao hoạt bát hẳn lên thế - ông Lập nói đùa rồi tự thưởng bằng tràng cười hềnh hệch – đây, mày mang một con về, nhờ xét nghiệm xem thế nào

Năm ông cùng đồng thanh cười hồng hộc hềnh hệch hố hí há. Điệu cười vô nghĩa vô hồn vô duyên như mọi điệu cười ở mọi cuộc nhậu. Có thể từ nay sẽ qui đồng mẫu số rút gọn phân số gọi điệu cười ấy là nụ cười quán nhậu, gọn nữa: cười nhậu, cho các nhà văn đỡ tốn công tìm tính từ miêu tả

***

Bẵng đi tuần lễ, câu chuyện về con hải mã hầm mãi không nhừ đã biến khỏi bộ nhớ của ông Tầm Lập. Sáng hôm ấy, thằng đàn em ông, cái thằng cầm con hải mã đi nhờ xét nghiệm, gọi điện thoại cho ông. Nó cho ông biết kết quả xét nghiệm con cá quí. Nó đọc một tràng, nào là sunfua urich, phuphytimich, taptoppanasonic, ipodacernic …, ông Lập sốt ruột quá, ông nói như hét vào máy: “Thế tóm lại, nó là cái gì mà công hiệu thế, à , à, mà hầm lâu nhừ thế ?”. “Dạ, tóm lại, nó là … là cao su, anh ạ”. Thằng đàn em trả lời. Thế rồi cả hai anh em cùng ngẩn tò te, vẫn áp di động vào tai như một thứ quán tính mà chả nói thêm câu nào.
Ngẫu nhiên, trong đầu ông Tầm Lập cũng như thằng đàn em ông cùng nghĩ về nồi nước lẩu chế biến bằng hóa chất Trung Quốc. Vừa hôm qua, báo chí đăng tin gần trăm người cùng ngộ độc sau khi xơi lẩu trên phố lẩu Phòong Hưng, phải vào viện cấp cứu. Cũng may không chết ai, chỉ bị méo mồm, lác mắt cả một lượt !

VVQ - SG – 08/08/08

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

VIỆT NAM, THIÊN ĐƯỜNG NHẬU NHẸT (!?)




Lời (đong đưa) dẫn nhập: Có một khác biệt rất dễ nhận thấy giữa thời “bao cấp” và thời “mở cửa, đổi mới”, đó là dân ta trở nên quá ư cuồng nhiệt với hai món: đó là nhậu nhẹt và bóng đá. Bóng đá nâng cấp thành “giải chuyên nghiệp”, đội tuyển quốc gia luôn thuê huấn luyện viên ngoại quốc. Và mỗi khi đội tuyển thi đấu với mấy nước láng giềng thì thiên hạ như hóa rồ hóa dại. Còn nhậu nhẹt ăn chơi thì… thôi rồi (Lượm ơi)

Phải chăng đây chính là thứ ma túy để dân ta xả xì trét, xả bức xúc? Để một bộ phận dân tình còn lương tri tạm quên đi bao chuyện thối nát bất công? Để một lớp trẻ không (cần) quan tâm tới chính trị? Tóm lại là để thiên hạ có những nỗi hả hê, sự hài lòng (hay nói cách khác là có những lí do để) và không cần biết tới những vấn đề như nhân quyền, dân chủ, quốc thể, lãnh thổ… v.v

Đời sống loài người không thể không có niềm tin và hy vọng. Chính vì thế mà các tôn giáo ra đời. Và tôn giáo nào cũng nhận mình là “chính giáo”. Có một chuyện không hiếm gặp, đó là các tôn giáo thường chỉ trích nhau. Đảng Cộng sản cũng là một tôn giáo. Và (hình như) giáo chủ của tôn giáo này đã chỉ trích các tôn giáo khác: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân (hình như cha này ám chỉ Thiên Chúa giáo).

Suy theo tam đoạn luận: ma túy/thuốc phiện là tôn giáo, bóng đá và nhậu nhẹt là ma túy của dân ta. Vậy bóng đá và ăn nhậu chính là tôn giáo của (một phần) dân ta.

Có một điều không thể chối cãi, rằng, “đảng ta” đã nhìn thấy niềm tin của các tín đồ vào giáo phái của mình đang lung lay nghiêm trọng, mà hiện tại chưa có phương cách gì hữu hiệu để loại bỏ hoài nghi và củng cố niềm tin ấy. Niềm tin của các tín đồ mất đi thì nguy cơ rã đám của giáo phái là rất cao, bởi vậy nên đảng ta đang sử dụng “giải pháp tình thế”: hướng đám tín đồ ấy vào một niềm tin khác, một thứ niềm tin vô bổ & vô hại: Bóng đá, nhậu nhẹt (còn hơn để chúng hướng sang các tôn giáo khác), đặng quên đi sự hoài nghi tính thiêng liêng của giáo phái mình. Phải chăng sự thể là như vậy ?

Thôi thì sự thể ra sao, thực hư vấn đề tôn giáo với thuốc phiện ló thế lào thì hẵng cứ dẹp qua một bên, và chúng ta thử lai rai chút đỉnh với cái sự nhậu nhẹt của dân ta, cho vui lúc… không nhậu nhẹt


1) Rượu thời bao cấp & lời nhận xét đáng ngờ


Một điều không thể chối cãi rằng, từ khi đất nước “đổi mới”, một bộ phận dân ta (nhất là dân thành thị) “giầu” lên trông thấy. Ít nhất là giầu lên so với chính họ. Có thể nhìn thấy sự giầu có một cách rõ rệt qua các nhà hàng, quán nhậu, làng nướng, phố lẩu, bãi bia…v.v mọc lên như nấm. Và thực khách thì chưa khi nào - kể cả lúc này, là lúc nền kinh tế thế giới (trong đó có Việt Nam ta, đương nhiên, bởi ta đã hội nhập sâu, đã vào WTO chứ bỡn a?) tuột dốc - tỏ ra thờ ơ, thiếu nhiệt tình với các địa điểm “ăn-chơi-nhậu-nhẹt-giao-dịch-xả-xì-trét” này.

Lớn bé già trẻ nam phụ lão ấu liền ông đàn bà…. thôi thì kính thưa đồng kính gửi các kiểu… nhậu. Sáng bảnh mắt ra làm bữa điểm tâm, tô bún riêu, đĩa bánh cuốn, hay (thậm chí) vài cái bánh rán… cũng kèm đôi ly “quốc lủi” (nếu là thời bao cấp) hay tô phở, bát bún thang, đĩa Spaghetti (Việt hóa, tất nhiên) và… chai Vodka Hà Nội (nếu là đương thời. Điều này thường phổ biến ở các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra).

Cần nói qua một chút về cái gọi là “rượu quốc lủi”. Khái niệm rượu “quốc lủi” giờ chắc không còn tồn tại, bởi nó nảy sinh từ thời bao cấp. Quốc lủi tức rượu nấu lậu, vì khi đó, nhà nước độc quyền sản xuất rượu. Rượu nhà nước làm ra nên gọi là rượu quốc doanh. Khi đó, nhiều nhà “làm kinh tế phụ gia đình” bằng cách nấu rượu. Rượu làm ra bán chủ yếu hòa vốn hoặc lãi rất ít, phần lời lãi chính là bã (hay bỗng) rượu, dùng nuôi lợn. Và đây mới chính là khoản lời đáng kể. Cái tên “quốc lủi” sinh ra từ đó, để phân biệt, để “phản biện” với quốc doanh. Nó cũng còn có nghĩa “lủi như [con chim] cuốc”, vì nấu hay đem bán đều có nguy cơ bị “tó”/tóm, nên mắt trước mắt sau, rình rình thấy bóng dáng công an, thuế vụ, là … lủi. Nguyên liệu để làm “quốc lủi” thì gi gỉ gì gi cái gì cũng được, nào ngô (bắp), khoai tây, khoai lang, sắn (khoai mì), mía…, thứ nào sẵn (được mùa) và rẻ thì làm. Cũng có đôi khi được nấu bằng gạo. Thường là “gạo mậu”, tức gạo tẻ, tức gạo mậu dịch, thứ gạo “sạn và mọt nhiều hơn gạo”. Cũng có khi là gạo nếp, thậm chí nếp than, nếp cái hoa vàng. Nhưng đó là “đặc sản”, thứ “quốc lủi đặc sản” này rất đắt nên thường được thực hiện theo “đơn đặt hàng”.

Thời đó, người ta còn đặt cho rượu “quốc lủi” cái tên cực kì độc đáo, nhưng lại vô cùng sát nghĩa (kiểu gọi đúng tên sự vật, hiện tượng). Đó là: rượu thối mồm. Bởi thứ rượu nấu theo phương pháp thủ công, lượng độc chất an-đa-hít trong rượu hầu như còn nguyên vẹn, nên khi uống vào, chúng “tương tác” với các vi sinh và dịch vị trong ruột và từ đó cho ra đằng mồm thứ mùi vô cùng ấn tượng. Không tin, hôm nào mưa lất phất, trời se se, bạn cứ thử mà xem

Ngoài nhậu sáng, thì nhậu trưa cũng khá phổ biến đối với dân miền Bắc (kể cả giới văn phòng cổ mang cà vạt, giầy da bóng lờ). Đi ăn cơm trưa làm đôi chai bia, vài ly rượu, hay vài vại (li bự) bia hơi, là chuyện thường ngày ở huyện. Nhưng cũng có khi hứng chí đổi bữa, thay cơm phần, cơm món, cơm hộp bằng bún đậu phụ mắm tôm chân giò luộc hay là bún giả cầy thì… ôi thôi rồi. Đảm bảo sau bữa trưa, về tới cơ quan công sở, các vị sẽ cố thủ ở một góc khuất nẻo nào đó và ngáy thật nhịp nhàng cho tới đúng… giờ tan sở. Hiện tượng này đặc biệt đúng trong các công sở nhà nước

Chiều tới, đêm về thì khỏi nói. Thật tưng bừng, thật náo nhiệt. Từ chốn phồn hoa đô hội tới các ngõ xóm làng quê. Từ Bắc vô Nam nối liền núi sông… Từ sơn hào hải vị ê hề tới đôi trái xoài, ba trái ổi, dăm trái cóc. Sơn hào hải vị thì bia lon rượu ngoại. Xoài, cóc, ổi thì bia cỏ, bia lên cơn và rượu …thối mồm. Nồi nào vung nấy. Ngưu cặp ngưu, mã kè mã. Tất tần tật đều có thể thành một cuộc nhậu hoành tráng tưng bừng.

Nhậu, nhậu, và nhậu.

Hình như đã có dăm ông Tây du lịch ba lô, bẩy bà Đầm làm việc hay học tập tại xứ ta đã chủ quan nhận xét, cả gan “khái quát”: Việt Nam là thiên đường nhậu nhẹt!

2) Rượu ta thời mở cửa & một chút suy tư về lời nhận xét (có thể không) đáng ngờ

Một điều chẳng thể chối cãi: rượu luôn đồng hành với nhân loại trong những tình huống bi tráng, là chất xúc tác mạnh mẽ cho loài người ở địa hạt tinh thần. Lịch sử ta cũng có rượu dự phần. Bao văn nhân to thi sĩ lớn cũng đồng thời dính dấp nợ nần với rượu.

Thương ai cho bận lòng đây?
Cho vơi hũ rượu cho đầy túi thơ!
Cảnh đời gió gió mưa mưa,
Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn


(Tản Đà)

Bên trên nói rằng, nhậu sáng, nhậu trưa thường là thói quen của người sống ở miền Bắc; nói như vậy không có nghĩa rằng người miền Bắc nhậu nhiều hơn người miền Nam, mà sự thật là, chúng ta Bắc Trung Nam cả ba miền đều mười phân vẹn mười cả. Chẳng ông nào kém bà nào sất. Nếu như người miền Nam không có thói quen nhậu sáng, nhậu trưa (có thể vì miền Nam tiết trời quanh năm băm mấy độ?) thì bữa nhậu chiều tối của dân “anh Hai Nam bộ” dịu dàng nhẹ nhàng cũng gấp ba gấp bốn lần “độ” chiều tối dân Bắc, tính cả thời lượng lẫn tửu lượng.

Rượu say thơ lại khơi nguồn,
Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình


(Tản Đà)

Theo một số thống kê (có thể không đáng) tin cậy, người ta khẳng định: rượu sinh ra thơ. Ngẫm thấy cũng có lý! Chẳng phải bao người đã khẳng định đất nước ta là đất nước thi ca đấy ư (?!)

Hãy quên đi cái thời bao cấp, cái thời mà “quốc lủi” thì rặt rượu thối mồm, khá lắm thì cũng tới cỡ đặc sản Làng Vân, hay Bắc Ninh, Bắc Giang gì đó. Quốc doanh cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy, quanh đi cũng chỉ có mấy chai rượu Cam, rượu Chanh, quẩn lại cũng chỉ tới “tầm cỡ” Lúa Mới, Mơ Hương Tích (mà thường là dịp Tết mới thấy bầy bán nhiều) là cùng. Giờ đây, rượu madein Việt Nam chẳng kém cạnh thiên hạ là bao. Dù mới chỉ ở dạng “chuyển giao công nghệ” hay “lắp ráp”, nhưng như thế đã là quí lắm nếu so với thời bao cấp đói nghèo. Chẳng kém Ông già chống gậy mác đỏ hay kể cả Black and White, J&B là mấy, họ mười phần ta cũng đạt tới năm sáu, nhưng giá lại vô cùng rẻ, rất hợp túi Việt Nam, đó là “anh chàng” Whisky Wall Street. Nếu cho đại gia Vodka Smiranoff nổi danh toàn cầu là điểm 10 thì “chàng” Vodka Hà Nội của chúng ta không thể dưới 7 điểm, ấy vậy mà giá cả của “chàng” chỉ bằng một phần mười gã đại gia, há chẳng đáng vênh mặt rung đùi lắm sao? Điều đáng nói là không chỉ so sánh, chấm điểm một cách chung chung như vậy, mà Vodka hay Whisky của ta đã đạt được những tiêu chí cơ bản của Vodka hay Whisky thế giới. Ví dụ như với Vodka thì phải đạt nồng độ cao, nhưng vẫn có cảm giác êm, dịu, không gắt, và đặc biệt phải tuyệt đối không có mùi, phải như nước lã vậy; hoặc Whisky thì phải có mùi thơm ngầy ngậy, cái thơm dường như là của sự kết hợp giữa hương gỗ sồi và ngũ cốc lên men theo trình … Whisky, mà dân sành thường gọi chung là: Mùi Whisky (tất nhiên, chưa đi vào chi tiết từng loại Whisky). Và cái đáng nói sau cùng, do công nghệ, dây chuyền sản xuất được nâng cấp liên tục, nên độc tố an-đa-hit trong rượu ta được triệt tiêu một cách tương đối, nên dù dùng hàng nội, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin với cái hương đi ra … từ mồm, và yên tâm với vấn đề đau đầu hay ngộ độc

Rõ ràng, công cuộc đổi mới của đảng ta khiến dân yêu rượu hay văn thi nghệ sĩ được nâng đỡ, được vuốt ve, chắp cánh … quá cỡ thợ mộc ấy chứ, đâu phải chuyện đùa!

Quay trở lại một chút với cái “khái quát”, với lời nhận xét của một số tay ngoại quốc:

Việt Nam là thiên đường nhậu nhẹt !

Phải nói là cái “khái quát” của mấy vị xứ văn minh về một trào lưu đang ngày một phát triển tưng bừng của chúng ta, nghe nó… cứ làm sao. Cứ nghìch nghịch lỗ nhĩ thế nào. Đó là còn chưa thèm nói tới chuyện đúng sai của cái nhận xét (xem ra có phần mách qué) ấy đấy. Không hiểu ở xứ sở của họ, của mấy ông Tây bà Đầm kia, họ có nhậu nhẹt không và nhậu nhẹt ra làm sao? Chưa biết nên chẳng dám bàn, nhưng dứt khoát các vị cũng uống ra trò chứ chẳng phải “đoan trang yểu điệu trâm oanh thế phiệt” gì. Bằng chứng là xứ sở của các vị cũng chính là quê hương của biết bao loại mĩ tửu nổi đình nổi đám, thậm chí có thứ rượu còn là niềm tự hào dân tộc của các vị cơ mà ! Chẳng phải mấy ngài Phú lang xa (France) cứ sểnh ra là tay nhăm nhăm chai Cognac, từ mắt tới cằm cứ ngược thẳng lên giời mà mơ màng về quốc tửu? Chẳng phải các quí ông Scotchland mặc váy thường nâng niu chai Whisky với vẻ trìu mến và tự hào không dấu diếm đó sao ? Còn nữa, còn nhiều lắm, các ông Tây bà Đầm luôn nói, luôn tấm tắc về một loại rượu đặc sản xứ mình. Thậm chí, người Hy Lạp, người Ytalia (La-mã) còn nhận ông tổ nghề rượu, đồng thời cũng là tay bợm rượu vô cùng trác táng có passport Hy-La. Không tin thì thử tìm hiểu thân thế và sự nghiệp ông Dionusia (tên Hy Lạp), hay ông Bacchus (tên La Mã). Tương truyền, các ông này sáng tạo ra cách làm lên men trái nho, và làm ra rượu vang. Cũng tương truyền, các ông thường xuyên tổ chức những lễ hội, những cuộc nhậu nhẹt vô tiền khoáng hậu, mà nếu mang so sánh với các cuộc nhậu của dân nhậu xứ Việt ta thì các chú “bợm nhậu” madein Việt Nam cứ gọi là khóc thét, chào thua và chạy dài.

Đấy chỉ là vài nét phác sơ sài về chủng loại rượu, chất lượng cũng như sự nổi tiếng của một số loại rượu, và những cuộc nhậu từ thủa xa xưa bên xứ sở ông Tây bà Đầm, là những kẻ đã “khái quát” đất nước chúng ta là Thiên đường nhậu nhẹt. Rõ ràng, từ trình độ làm rượu đến cách thức uống rượu, họ, những ông Tây bà Đầm ấy là bậc thầy của chúng ta. Ấy vậy mà sao họ vẫn gán cho chúng ta, một đám “bợm nhậu nghiệp dư” nếu so với họ, một cái danh (chẳng mấy đáng tự hào) như vậy nhỉ.

Từ chuyện nghệ thuật nhậu nhẹt của chúng ta còn vô cùng thô sơ. Trình độ thưởng rượu của chúng ta còn quá ư ấu trĩ. Chủng loại rượu của chúng ta còn vô cùng nghèo nàn. Vậy tại sao họ bảo đất nước ta là Thiên đường nhậu nhẹt? Họ vu khống chăng? Ồ, nếu là vu không thì chả có vân đề gì, vì dân tộc ta mang nặng hồn thi sĩ, ít khi chấp nhặt, hơn thua câu nói. Nhưng nếu vô phúc, cái nhận xét ấy là sự thật thì… Chà chà…! Nếu đó là sự thật thì quả là có quá nhiều điều phải suy nghĩ chứ không chỉ còn là ba cái chuyện vớ vẩn tầm phào nữa rồi

VVQ - Sài Gòn – 12/05/2009

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

KHÓI NHANG TRONG BUỔI CHIỀU THU


Truyện ngắn của Vươg Văn Quang

Thằng cu Long là con một. Con độc mới đúng, vì trong nhà có độc mình nó, không có anh chị em nào cả.
Dù năm nay Long mới lên năm tuổi, nhưng xem cung cách của bố mẹ nó thì có thể khẳng định: Long là con độc.
Bố Long là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty nhà nước. Mẹ Long cũng chức danh cùng tên, nhưng là doanh nghiệp tư nhân, thuộc loại lớn. Hai người hiếm khi gặp nhau ở nhà, nói chuyện thì càng không, thời gian họ gặp nhau duy nhất ở nhà là lúc đi ngủ. Có lẽ, họ sẽ ngủ đúng với nghĩa đen. Lên giường. Và ngủ. Chẳng biết trước lúc thực sự chìm vào giấc ngủ họ có nói gì với nhau không. Sáng ra, họ vội vàng làm vệ sinh cá nhân. Vội vàng thay quần áo. Và vội vàng ra khỏi nhà. Ai cũng vội. Mỗi người vội một kiểu.

*
Thời xưa, thời phong kiến, người ta gọi người làm việc nhà là con sen, bà vú, bà bếp, sop phơ…, tùy theo chức năng công việc mà gọi. Nhưng nói chung là người ở, “kẻ ăn người làm”. Nhưng nói gọn là người đi ở. Gọn nữa, người ở.
Ngày nay người ta gọi là ôsin, hay tế nhị hơn một chút là người giúp việc. Nhà Long có hai người như thế. Bố Long gọi là ôsin. Mẹ Long gọi là người giúp việc. Đấy là Long nghe được những lúc họ nói chuyện với bạn, hay ai đó, qua điện thoại.
Một người chuyên việc nhà như đi chợ, nấu nướng, quét dọn, giặt giũ v.v... Đây là ôsin, Long nghĩ thế.
Người còn lại là người giúp việc. Đương nhiên rồi, vì có cách gọi nào nữa đâu. Thằng Long xem ra cũng biết thiên vị ra phết. Giúp việc rõ là có một cái vẻ gì đó đàng hoàng tử tế hơn ôsin. Người này “chuyên trách” cho Long. Thay đồ, tắm rửa, cho ăn (gọi là giục ăn mới phải, vì Long khảnh lắm), đưa đi “học”. Long học trường đại học chữ to, mấy tháng nữa mới tốt nghiệp - nói theo cách của chị giúp việc. Long không thích gọi như thế. Đi học là đi học, dù là mẫu giáo.
Không có gì quá đặc biệt, nhưng trong nhà, Long tỏ ra gần gũi thân thiết với chị giúp việc hơn cả, hình như trong danh mục công việc, người “chuyên trách” thằng Long có cả mục “hầu chuyện”. Mệt phết chứ chả đùa. Tại sao mặt trăng chỉ đêm mới hiện ra, lại còn lúc tròn lúc méo, tại sao con trai không mặc váy, tại sao gà lại gáy, tại sao cá biết bơi… vân vân và vân vân, đấy là những thứ tại sao bình thường, còn vô khối những thứ tại sao mà khi Long hỏi, chị giúp việc đỏ mặt tía tai, rồi bẽn lẽn mắng nó: “Hư nào!”
Chỉ cần thỏa mãn những cái tại sao loại thường, chị giúp việc cũng xứng là pho bách khoa toàn thư phổ thông. Thằng Long gần gũi quí mến chị giúp việc một phần cũng vì thế

*
Hôm nay nhà Long thay toàn bộ cửa kính, loại đời mới của hãng Euro Window. Vậy mà bố Long có vẻ vẫn chưa vừa ý, ông còn đòi lắp thêm “gioăng” cho mỗi tấm kính. Bố Long mở mồm là chê bai Việt Nam, xứ sở lạc hậu, dân trí thấp. Đường xá bụi mù, giao thông vô tổ chức vô luật lệ, người dân vô ý thức. Ở nước ngoài á…! Nước, không khí nhiễm bẩn trầm trọng. Ở nước ngoài á…! Chất lượng thực phẩm không đảm bảo, bát nháo, thật giả vàng thau lẫn lộn. Ở nước ngoài á…! Bố Long đi nước ngoài nhiều nên có vẻ như cái gì bố Long nói cũng từ đúng trở lên.
Nhìn chung, nhà Long với môi trường bên ngoài như một ốc đảo. Không một hạt bụi hay tiếng ồn, dù khẽ, có thể lọt vào nhà. Các loại côn trùng thì đừng có mơ xuất hiện trong nhà Long. Nhà kín, hệ thống thông gió hợp lí, khoa học, lại đủ các loại lưới to lưới nhỏ ngăn côn trùng các cỡ. Cũng thỉnh thoảng có con thạch sùng, hay con thiêu thân vô tình lọt vào, nhưng chỉ một hai nhát mostlife là xong. Sạch sẽ đến tuyệt đối.
Buổi sáng hôm nhà Long lắp cửa kính mới, đến chiều, có con bướm vàng rất to và đẹp đến đậu ở bậu cửa sổ phòng bếp. Hai cánh bướm cứ chập xòe, chập xòe. Con bướm đẹp một cách kì lạ. Cũng phải thôi, bướm to thì đương nhiên đẹp. Chả hiểu lí do gì con bướm chọn bậu cửa nhà Long mà đậu, nhưng Long chả thắc mắc về điều này. Nó thích lắm, suốt buổi chiều cứ say sưa ngắm. Đến tối, con bướm bay đi đâu mất, thay vào đó là hàng đám thiêu thân bay loạn xạ vì thứ ánh sáng vàng dịu hắt ra từ bên trong. Chị giúp việc bấm một phát vào cái nút bên cạnh cửa. Lớp cửa cuốn bằng sắt bên ngoài lớp cửa kính từ từ chạy xuống. Long hỏi chị giúp việc, con bướm đi đâu. Nó về nhà nó chứ đi đâu. Bướm cũng có nhà à? Ai chả có nhà, con gì chả có nhà. Rồi chị hát, con chim có tổ, như ta có nhà, chim mà mất tổ… Thế sao ông già ăn xin bên kia đường lại ngủ dưới hàng mái hiên? Thì… thì hàng hiên là nhà ông ấy. Thiếu gì người ở đờ la hiên. Tí nữa thì nhà chị cũng phải dọn ra đờ la hiên ấy chứ. Đờ la hiên là gì hả chị? Là… những hàng hiên, mái hiên. Những chỗ như ông già kia ngủ, người ta còn gọi là Hô ten đờ la hiên. Tại sao nhà chị phải dọn ra đờ la hiên? Em chả tin. Thật đấy, em chưa hiểu được đâu, còn nhiều thứ chị có nói em cũng chả hiểu. Những cái gì mà nhiều hả chị? Em chưa hiểu thì chị nói cái là em hiểu ngay. Chị giúp việc kéo thằng Long vào lòng, chị âu yếm xoa đầu nó, bảo, chị giải thích hay ai giải thích thì em cũng chẳng thể hiểu đâu. Có những thứ mà chỉ khi lớn lên người ta mới hiểu. Rồi em sẽ lớn, em sẽ hiểu.

*
Sáng hôm sau, thằng Long cố tình dậy sớm. Mở mắt là nó tót ra khỏi giường, đến ngay bên cửa sổ. Lớp cửa sắt chưa kéo lên. Bố nó đã đi từ lúc nào. Chị giúp việc chưa tới. Còn cả tiếng nữa mới tới giờ đi học. Mẹ thằng Long catáp cắp nách từ trên lầu đi xuống. Mẹ nó mặc juýp, đi giầy gót cao. Tiếng giầy mẹ nó gõ lên từng bậc cầu thang thánh tha thánh thót như nghệ sĩ piano gõ ngón tay lên phím đàn. Cốp, cốp, cộp, cộp… hay ơi là hay, thằng Long nghĩ thế.
Trong phòng bếp, mẹ nó viết mấy chữ lên chiếc bảng mica trắng bằng chiếc bút dạ tím treo lủng lẳng bên cạnh bảng. Chiếc bảng treo ngay phía trên kệ bếp, gần chụp hút khói, là chỗ dễ nhìn thấy. Phòng bếp nhà thằng Long kiêm luôn phòng ăn. Có kệ bếp, tủ bếp chạy vòng, có cả quầy bar mini. Bộ bàn ăn kê giữa phòng. Nói chung là sang trọng và có gu.
Thằng Long bảo, mẹ bấm cho lớp cửa sắt cuốn lên cho con xem bướm đi mẹ ơi. Đi. Mở ra đi mẹ. Sáng ngày ra đã mở với chả miếc. Bướm với chả biếc. Vớ vẩn. Chỉ tổ cho chúng nó nhòm ngó. Mẹ thằng Long vội vã - không nhìn vào nó - vừa đi rảo ra cửa vừa nói, dù nó muốn mẹ nhìn nó lắm, một tí thôi, cũng được.
Long bập bẹ đánh vần dòng chữ trên bảng. Mẹ nó dặn chị giúp việc cho nó uống thuốc ho. Còn dặn thêm, nếu nó sốt thì để nó ở nhà, không phải đi học.
Chị giúp việc vẫn chưa tới. Thằng Long thỉnh thoảng lại ra tủ lạnh, chui đầu vào. Cứ chốc chốc nó lại lặp lại thao tác đó.
Khi chị giúp việc đến, thằng Long vội bảo chị cho cửa sắt chạy lên. Con bướm vàng chưa tới. Ánh nắng sớm xiên xeo xéo vào giữa phòng rồi dừng lại lấp loáng chính giữa chiếc bàn ăn hình oval bằng gỗ cẩm lai, thằng Long nhìn thấy những hạt bụi li ti đủ hình dạng đan quyện vào nhau, có lúc còn đổi mầu, đẹp ơi là đẹp. Hay thật, nhà mình mà cũng có bụi. Nhưng đây là bụi bẩy mầu. Bụi bẩy mầu chắc là bụi sạch, không như thứ bụi thường. Long say sưa nhìn luồng nắng. Sao nắng mà cũng đẹp thế nhỉ.
Chị giúp việc hỏi nó, trong người thấy sao. Thằng Long cầm tay chị dí vào trán nó rồi bảo, chị sờ trán em mà xem này, mát ơi là mát, chả sốt đâu, chị nhỉ.
Thực ra, cơn sốt đang đến với nó. Dù cố ghìm, nhưng nó vẫn húng hắng ho. Và mỗi lần nuốt nước bọt là mỗi lần cổ họng nó đau buốt. Nhưng nó muốn tới trường hơn.
Trường thằng Long học là trường Quốc tế, một thứ trường lớp dành cho giới quí tộc, hay còn gọi là “giai cấp tư bản đỏ”. Gọi là Quốc tế, nhưng học sinh toàn người Việt, chính xác là tới 97% học sinh người Việt. Chắc chữ Quốc tế ở đây là để chỉ học phí. Học phí Quốc tế. Trường nhận học sinh từ cấp mẫu giáo trở đi. Các cấp học khác chả biết sao, nhưng học mẫu giáo như thằng Long, bố mẹ nó mỗi tháng cũng tốn hai nghìn đô la Mỹ. Ấy thế mà vẫn hết chỗ nếu không đăng kí sớm. Chả hiểu người ta làm gì với số tiền đó cho một học sinh mẫu giáo. Nhưng dường như chả ai cần hiểu điều đó.
Chị giúp việc sờ trán thằng Long, gật gù. Rồi chị lấy thuốc cho nó uống. Thuốc viên mấy loại, rồi sirô ho ngọt khé cổ nữa. Thằng Long nhăn mặt, cố uống bằng hết những gì chị giúp việc đưa. Một lát sau, chị cặp nhiệt độ cho nó. Có lẽ chị làm mọi việc theo sự chỉ dẫn của chiếc bảng mica. Xem ra, mẹ thằng Long cũng chu đáo như một người mẹ bình thường.
Khi xem cặp nhiệt độ, chị giúp việc giẫy nẩy. Chết rồi, sốt rồi. Sốt cao ấy chứ lị. Thằng Long hỏi, sao mãi con bướm vàng chưa tới, hả chị? Để chị gọi điện báo cho giáo viên, rồi gọi taxi đưa em đi khám. Thay vì trả lời thằng Long, chị giúp việc lại đứng bấm ngón tay liệt kê những việc phải làm.
Thằng Long đi khám ở bệnh viện Quốc tế Việt - Anh. Người ta lấy máu nó để xét nghiệm, lấy nước tiểu để xét nghiệm. Thôi thì kính thưa đồng kính gửi các loại xét nghiệm. Lúc bị lấy máu, Long sợ lắm. Đau nữa. Nếu không có dải nắng nhiều mầu xiên qua kẽ cửa chớp cho nó ngắm, chắc còn đau hơn.
Bà bác sĩ bảo Long bị ho, sốt do viêm phế quản. Bà kê đơn thuốc rồi dặn dò chị giúp việc rất kĩ. Bà bảo phải uống thuốc đủ liều, đủ 10 ngày, bệnh này ở trẻ con không chữa triệt để dễ thành mãn tính lắm.
Khi hai chị em về tới nhà là đã gần trưa. Nắng trở nên gay gắt, không thấy những hạt bụi bẩy mầu bay bay đan quyện nhau như hồi ban sáng. Con bướm vàng vẫn biệt tăm tích. Chị giúp việc kéo rèm cửa, chỉnh lại nhiệt độ trong phòng, rồi lấy cháo trong bình thủy cho Long ăn. Mỗi lần nuốt, là một lần nó cảm thấy như bị tra tấn. Mỗi khi cháo trôi qua họng, nó thấy đau buốt, bỏng rát. Nhưng nó cố ăn, vì chị giúp việc bảo, nếu ăn hết tô cháo, con bướm sẽ tới thăm nó. Nó tin chị, vì chị chưa nói dối nó bao giờ. Hay ít ra là nó nghĩ thế. Thằng Long ăn hết cháo, rồi uống thuốc. Chỉ một lát sau khi uống thuốc, nó thiếp đi ngay. Nó nằm lăn ra ngủ ngay trên chiếc bàn ăn gỗ cẩm lai

*
Khi thằng Long tỉnh dậy, chiếc đồng hồ tường đã chỉ quá hai giờ. Ít khi thằng Long ngủ trưa nhiều thế, nhưng hôm nay có lẽ nó ngủ một giấc dài như vậy là vì quá mệt. Cơn sốt hồi sáng đã lấy đi của nó khá nhiều năng lượng. Chưa kể, trong thuốc ho, bất kể loại gì, bao giờ cũng có chất gây ngủ.
Từ trên bàn bò xuống, Long chạy ngay tới bên cửa sổ. Nó vén rèm cửa nhìn ra. Ô kìa, con bướm vàng rực rỡ, to tướng, đẹp ơi là đẹp đã đậu ở đó từ bao giờ. Hai cánh của nó vẫn chập xòe chập xòe liên tục. Chào mày nhé, từ sáng tới giờ mày đi đâu thế, chắc mày cũng phải có việc gì đó của riêng mày chứ, nhỉ. À, mà mày tới lâu chưa vậy, chờ tao lâu lắm không, cho tao xin lỗi nhé! Mày biết không, ít khi tao ngủ quên lắm. Tao đi ngủ cũng như thức dậy đều đúng giờ, chuẩn xác như cái đồng hồ Thụy Sĩ mạ vàng của bố tao ý. Cô giáo khen tao nhé, chị Lan giúp việc cũng phải khen tao nhé. Tao là người đồng hồ… Ừ nhỉ, có người Nhện này, người Cát này, người Tên Lửa này, người đột biến các kiểu này…, nhưng chả có người Đồng Hồ nhỉ… à, đúng rồi, không có cả người Bướm nữa. Ước gì tao biến thành bướm, thành người Bướm, tao cũng sẽ bay được như mày, bay lượn thoải mái ngoài kia. Hay là mày thành Bướm-Người bay Vào với tao cũng được. Tao với mày…
Thằng Long cứ đứng nói chuyện say sưa với con bướm. Chị giúp việc rón rén đến sau lưng nó, chị ngửi ngửi đầu nó rồi khẽ hôn hôn mái tóc nó. Nó biết nhưng cứ làm như không. Tới giờ ăn bữa xế rồi Long, ăn xong còn uống thuốc. Nghe tới ăn, thằng Long rùng mình. Nó nuốt nước bọt, cổ họng vẫn đau rát như phải bỏng. Thôi, bỏ bữa này được không chị, con đau họng lắm, thôi, con uống thuốc thôi, cho con bỏ bữa này, nhé! Chẳng ai dậy, chẳng ai bảo, nhưng tự nhiên thằng Long có kiểu xưng hô như vậy với chị giúp việc. Nó gọi chị là chị, và xưng con. Không bỏ bữa được đâu, không ăn mà uống thuốc, đau dạ dày chết, bác sĩ dặn rồi, viên này thì sau ăn, viên này uống giữa bữa, chỉ có viên này là uống được trước lúc ăn, thôi cố lên, đằng nào thì bướm cũng đi có việc rồi. Thể nào Long ăn xong, uống thuốc xong, nó cũng quay lại… Chị giúp việc dỗ dành Long. Thằng Long đang nhìn chị, nói chuyện với chị, vừa thấy chị bảo “bướm đi có việc” nó quay ngoắt lại nhìn bậu cửa sổ. Quả là con bướm đã bay đi. Thế mà chỉ giây phút trước đây, nó còn đứng đó xập xòe đôi cánh nghe Long nói chuyện. Qủa là chị giúp việc chẳng nói dối nó
Cuối cùng thì Long cũng nuốt xong nửa tô cháo. Trán nó đỏ rực, má đỏ hồng, cả bộ mặt nó đỏ ran, phần vì ăn tô cháo nóng, phần vì cơn sốt trong người nó dường như ngày càng cao. Uống xong mấy viên thuốc, thằng Long tụt ngay xuống ghế, chạy về cửa sổ. Đúng như chị giúp việc nói, hình như con bướm tranh thủ lúc Long ăn và uống thuốc, nó chạy đi đâu đó vì công việc riêng. Xong xuôi, nó quay lại ngay. Mày vừa đi đâu về thế? Đi nhanh nhỉ, không bị kẹt xe à? À, mà mày bay cơ mà, có phải đi xe máy đâu mà kẹt xe, nhỉ! Tao cứ làm như loài nào cũng như loài người ý, nhỉ. Hơi một tí, bước chân ra đường một quãng cũng xe máy, ôtô. Đấy là chưa kể tàu hỏa tàu thủy, tầu cánh ngầm đấy nhé. Mày bay suốt như thế, chắc chỉ gặp toàn máy bay là máy bay, bướm nhỉ. Có khi mày chả biết tàu thủy tàu hỏa là gì đâu… À, có bao giờ bị kẹt máy bay không? Đã bao giờ mày thấy kẹt máy bay chưa? Thằng Long cứ say sưa nói chuyện với con bướm không biết chán. Nó đặt hẳn đầu, áp má lên bệ cửa, lâu lâu, mỏi, cu cậu lại đổi bên. Rồi lại nói. Mà có khi con bướm thích nghe thằng Long nói chuyện thật cũng nên. Nó vẫn đứng nguyên, chỉ chập xòe chập xòe đôi cánh.
Chị giúp việc ngắm thằng Long từ phía sau. Từ lúc uống nó thuốc xong tới giờ, gần hai tiếng đồng hồ trôi qua rồi chứ ít đâu, vậy mà nó vẫn nói liên mồm. Hay là nó bị mê sảng nhỉ? Trẻ con sốt cao quá thường hay mê sảng.
Chợt chị cảm thấy hơi thở của mình thở ra nong nóng. Chị cũng thấy hơi đau đau khi nuốt nước bọt. Không nhẽ chị bị lây sốt viêm phế quản của thằng Long. Nghĩ vậy rồi chị hơi mỉm cười. Chưa nghe ai nói ho, sốt do viêm phế quản mà lây, nhất là lại từ trẻ con sang người lớn. Nhưng rõ ràng là mình cũng hâm hấp sốt thật rồi, chị lấy mu bàn tay khẽ đặt lên trán. Nóng lắm! Ôi, biết đâu thành phố này đang có dịch sốt viêm phế quản?
Bữa ăn cuối trong ngày của thằng Long tầm khoảng chín giờ tối. Hôm nay cũng thế, ăn xong nó lại uống thuốc rất ngoan. Nó chăm uống thuốc mặc dù nó cũng rất kinh sợ thuốc. Nó chỉ mong khỏi ốm, để được đến trường, nơi có các bạn và được thoát khỏi những tấm cửa kính có “gioăng” caosu. Nó sẽ kể cho các bạn nghe về con bướm vàng của nó. Giờ này, con bướm cũng đã “về nhà” rồi, Long biết thế, nên uống thuốc xong là nó lên giường nằm, không cần chị giúp việc nhắc như mọi khi. Bố mẹ nó vẫn chưa về. Chị giúp việc ngồi bên đầu giường nó, kể chuyện Tấm Cám. Chị đã kể chuyện này cho nó hàng trăm lần rồi. Câu chuyện chẳng ra làm sao. Khi người ốm mệt như hôm nay, nó càng chả thấy ra làm sao. Nó nhắm mắt, giả vờ ngủ. Chị giúp việc gọi nó hai ba lần, không thấy trả lời, chị tin là nó đã ngủ. Chị kéo chăn đắp lại cho nó. Xong xuôi, chị ra về. Khi chị về, bố mẹ thằng Long vẫn chưa về. Đây cũng là điều bình thường, thường tới mức gần như thông lệ.
Chỉ còn mình Long trong căn phòng tối om (phòng riêng của nó). Nó lật chăn, tụt khỏi giường, tìm cái remote để mở tivi, tìm kênh CartoonNetwork. Chán. Chả có gì hay. Kênh Bibi, rồi Animax… cũng thế, toàn phim xem rồi. Mãi mà bố mẹ nó vẫn chưa về. Nó mong bố mẹ quá. Ngày nào cũng mong như thế. Mong, cứ mong mà chả bao giờ quen với nỗi mong chờ. Rồi ngày nào nó cũng ngủ thiếp đi với nỗi mong chờ ấy. Và ngày nào bố mẹ nó cũng chỉ về khi nó đã ngủ say từ lâu.

*
Sáng nay, dù đã dậy từ lâu rồi, nhưng thằng Long vẫn nằm trên giường. Nó chả buồn ra khỏi giường, vì ra cũng chả để làm gì. Giờ này con bướm chưa tới đâu. Nó biết thế nên cứ nằm im. Nó nghe loáng thoáng giọng mẹ nó, chắc là nói với bố nó, rằng chị Lan giúp việc gọi điện báo nghỉ, vì chị cũng bị sốt. Sốt cao lắm. Nó lại nghe giọng bố, bảo mẹ nó nghỉ ít hôm, chờ chị Lan khỏi... Mẹ nó quát ầm ĩ, nghỉ là nghỉ thế nào. Bà Lường (tên bà ôsin, làm các việc nhà) có thể lo, có thể kiêm nhiệm phần việc chị Lan được. Ừ, cũng phải, thằng Long cũng có thể tự lo được - tiếng bố nó - trẻ con Tây tuổi ấy chúng tự lo được hết, chả lẽ thằng Long không được như lũ trẻ Tây. Gì cũng Tây. Tây, tây, tây- tiếng mẹ nó. Không thấy bố nó nói gì thêm, chắc bố nó lại vội vã đi rồi.
Đây là dịp hiếm hoi nó thấy bố mẹ nói chuyện với nhau. Vì chị Lan giúp việc nghỉ ốm - điều này đương hiên là đặc biệt, là hiếm hoi, nên bố mẹ nó mới có dịp nói chuyện với nhau.
Nó nghe mẹ dặn dò bà Lường cái gì đó về nó. Rồi mẹ cũng vội vã đi nốt. Hôm nay, có vẻ như mẹ còn vội vã hơn mọi khi. Nghe tiết tấu gót giày là nó biết.
Sự im lặng lại bao trùm trở lại ngôi nhà rộng lớn.
Thằng Long chỉ ra khỏi giường khi bà Lường gọi. Bà tưởng nó vẫn ngủ, nên gọi to ơi là to (cũng có khi do tai bà hơi nặng). Thằng Long vào toilet, đánh răng rửa mặt. Khi xuống phòng bếp, nó đã thấy tô cháo để trên bàn, cùng một gói thuốc các loại, để bên cạnh. Tiếng bà Lường từ trên sân thượng vọng xuống oang oang (chắc bà đang phơi quần áo) bảo thằng Long ăn xong rồi uống thuốc. Trên chiếc bảng mica, dòng chữ rất đẹp của mẹ nó viết ngay ngắn những lời dặn dò mà nếu như không dặn thì thằng Long cũng biết sẽ phải như thế, như thế. Rõ ràng là mẹ nó viết cho nó chứ không phải viết cho chị Lan như mọi khi. Chữ mẹ nó đẹp thật. Đẹp hơn cả chữ cô giáo nó. Thằng Long cứ ngoẹo cổ hết bên nọ sang bên kia để ngắm nghía những con chữ của mẹ.
Hôm nay, bữa trưa đã qua lâu rồi mà con bướm vẫn chưa tới. Lạ nhỉ, hay con bướm cũng sốt như chị Lan. Không, bướm không sốt như người…! Hay là tại nó quên uống thuốc nên con bướm không tới? Thằng Long chạy đến thùng rác trong góc nhà, lấy chân đạp cho nắp thùng mở lên rồi ngó vào trong, nó nhìn rõ, từng vỏ thuốc đã bóc trong đó. Rõ ràng là nó uống thuốc rất ngoan như lời chị Lan khen nó mà, sao bướm chưa tới nhỉ. Ngẫm nghĩ mãi rồi thằng Long cũng thiếp đi. Nó nằm ngủ trên chiếc ghế ở bộ bàn ghế ăn. Nằm mỗi cái lưng, còn hai chân buông thõng.
Giấc ngủ trưa của thằng Long ngắn và không sâu. Trong giấc ngủ, nó cứ thấy chập chờn, lúc thì con bướm, lúc thì chị giúp việc. Có lúc nó thấy “hai người”, chị giúp việc và con bướm, chạy chơi đùa với nhau trong công viên. Cái công viên mà mấy lần chị Lan đã đưa nó tới chơi. Cuối cùng nó tỉnh hẳn, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng không phải là thứ mồ hôi của người khỏe. Cơn sốt trong nó vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Thực ra, thằng Long chỉ mới thiếp đi một lát, chừng mười lăm phút là cùng. Không thể gọi đó là một giấc ngủ. Long vội vã tụt xuống ghế, rồi chạy về phía cửa sổ. Nó gạt tấm rèm sang bên, ngó bên nọ rồi bên kia. Vẫn không thấy con bướm đâu.
Có lẽ mình nên ăn luôn bữa xế, ăn xong uống thuốc, thể nào con bướm cũng sẽ tới. Mình ăn, uống thuốc ngoan thế cơ mà. Thằng Long lụi hụi đổ cháo từ bình thủy ra tô. Nó rất cố gắng, nhưng không thể ăn hết tô cháo. Có lẽ nó đổ cháo ra hơi nhiều. Rồi nó uống thuốc, đầy đủ cả mấy loại thuốc. Sau đó nó kéo ghế ra sát cửa sổ, ngồi chờ.
Thằng Long ngủ gật trên ghế, đầu ngoẹo sang một bên, trông rõ tội. Nó lại mơ. Trong mơ, nó thấy con bướm bay chập chờn trên trần nhà. Con bướm bảo nó rằng, nó chưa uống đủ thuốc, chưa ăn và uống thuốc đúng giờ, chưa ngoan… Long giật mình tỉnh dậy, nó lại kéo rèm, lại ngó nghiêng. Chả thấy gì. Thôi đúng rồi, hình như mình bỏ mất một bữa thuốc, thảo nào. Thằng Long chạy ra chỗ tủ thuốc, kéo ghế, đứng lên mở tủ. Nó lôi cái bịch thuốc mà hôm đi khám, chị Lan đã mua. Nó nhớ đúng là bịch thuốc này. Nó còn nhớ cả từng loại cơ. Viên con nhộng uống sau ăn, viên vàng hình lục lăng này uống giữa bữa, còn viên trắng này uống được lúc chưa ăn… Thôi, uống luôn cho bữa tối, khỏi quên. Thằng Long nghĩ thế, rồi nó nhặt từng viên thuốc bỏ vào mồm. Ban đầu, vội quá quên lấy nước, nên nó nuốt chửng. Nhưng nuốt thế, họng buốt lên tới đỉnh đầu, nó chịu không nổi nên ra tủ lạnh rót nước rồi mang ly nước quay lại chỗ để thuốc, uống một cách mê mải, hết viên này tới viên khác. Lần này, chắc chắn con bướm sẽ tới thăm nó.

*
Chị Lan không ngờ cơn sốt đến nhanh và mạnh như thế. Nó quật khiến chị không thể ngồi dậy. Chị cứ nằm đây, suốt từ sáng hôm qua tới giờ, trong căn buồng trọ bình dân, giá bình dân Việt Nam. Chỉ những lúc cần uống thuốc, chị mới cố gượng dậy. Một tháng tiền học của thằng Long có thể trả tới 80 tháng tức là gần bảy năm cho căn buồng trọ này. Quốc tế khác hẳn Việt Nam. Chị bật cười về sự so sánh có phần ngô nghê của mình. Nằm đây mà chị cứ nghĩ tới thằng Long. Mới hai hôm mà chị nhớ nó quá. Trong một giấc mơ, chị thấy thằng Long bay cùng với con bướm vàng. Thằng Long cũng có cánh. Đôi cánh mầu trắng, đẹp hơn cả cánh bướm.

*
Bà Lường phát hiện ra thằng Long nằm gục trên sàn nhà, một bên là túi thuốc chỉ còn lại vài viên. Bà giậm chân bành bạch xuống nền nhà, vò đầu bứt tai, bà không biết xử lí ra sao cả. Bà sợ quá. Bà nhớ là bà vẫn để mắt đến nó, trong khi làm các việc. Việc nhà toàn những việc không tên, lúc nào cũng bận. Thế mà chỉ sểnh ra có một tí… Giời ơi là giời, bà thét lên. Lúc này bà mới sực nhớ ra rằng, bà đang đứng trong một căn phòng đầy đủ tiện nghi hiện đại. Bà vớ lấy chiếc điện thoại, điện thoại không dây loại “mẹ bồng con”, nên dùng hơi khác, hơi khó hơn điện thoại thường, lóng ngóng mãi bà mới bấm gọi được xe cấp cứu. Lóng ngóng mãi bà mới tra ra số gọi cấp cứu ở cuốn niên giám to tướng.

*
Thằng Long từ từ đứng dậy. Nhìn xung quanh, toàn là các thứ máy móc lạ mắt. Chai dịch truyền mới hết một phần ba, nhưng đã không còn nhỏ giọt. Đầu mũi kim của chai dịch cắm sâu trong tay nó, mà sao nó không thấy đau. Thằng Long chầm chậm, từ từ lượn lờ quanh phòng, nó chỉ khẽ hất người là nó bay lên như con bướm mà không cần tới đôi cách. Ban đầu, nó thận trọng bay là là, lượn quanh phòng, rồi no Nó bay sát trần nhà. Ngó xuống, nó nhìn thấy nó đang nằm. Không phải ngủ, cũng chả phải hôn mê. Trạng thái này không một vị bác sĩ nào trên đời biết được là trạng thái gì, chỉ có nó cảm và biết được. Lát sau, thằng Long thấy mẹ nó tới. Bà ôm lấy nó, khóc lóc nức nở. Rồi bố nó cũng tới. Ông ấy cũng khóc. Đây là lần đầu nó thấy bố khóc. Chắc việc nó nằm lịm dưới kia là một dịp đặc biệt, một dịp hiếm, ít nhất cũng hiếm bằng việc chị Lan sốt phải xin nghỉ trong lúc nó cũng sốt. Những dịp hiếm hoi ấy, bố mẹ nó thể nào cũng sẽ nói chuyện với nhau, như sáng nay. Long rất mong bố mẹ nó sẽ nói chuyện với nhau thật nhiều, ít ra cũng vì dịp này. Nó sẽ được chứng kiến điều nó hằng mong chứng kiến. Nhưng điều nó mong muốn không xảy ra. Bố mẹ nó chẳng hề nói gì với nhau. Chỉ là mẹ nó thì khóc nức nở, còn bố nó thì như khóc thầm, dòng nước mắt cứ tuôn trên mặt ông mà không hề phát ra âm thanh nào.

*
Mới năm tuổi, quan hệ xã hội chả đáng gì, vậy mà đám tang thằng Long đông nghẹt. Hàng đàn xe con bóng lộn đen sì nối đuôi nhau đi sau chiếc xe chở cỗ quan tài bé tí xíu đặt trên chiếc xe to lớn, bóng lộn mầu trắng bạc. Thằng Long trong bức di ảnh đặt ở đầu xe cười toe toét. Một nụ cười hơn cả nụ cười-quốc-tế. Nụ cười của người chưa biết cuộc đời là gì. Phải, chỉ khi không biết gì về cuộc đời, người ta mới có nụ cười sung sướng, thỏa mãn đến thế kia.

*
Cơn sốt của chị Lan đột ngột biến mất. Rõ ràng không phải do tác dụng của thuốc. Không có sự từ từ nào cả. Đang sốt mê man 39 độ, đột nhiên thân nhiệt chị trở lại bình thường. Mọi cảm giác khó chịu do viêm phế quản tan biến. Thậm chí, một cú ho húng hắng cũng không còn. Chị thấy khỏe khoắn hơn bình thường. Vào thời điểm đó, thời điểm chị Lan đột nhiên khỏi bệnh, nhựng viên đất đầu tiên ném xuống huyệt mộ thằng Long.

*
Chị Lan tới thăm nó đều đặn, hàng tháng, đúng vào cái ngày ấy. Tấm hình thằng Long trên bia đá cũng chính là tấm hình treo trước mũi chiếc Cadilac chở quan tài. Bên dưới tấm hình, một hàng chữ khắc cẩn vàng rất đẹp: Trần T. Long 2001-2006.
Chị đốt cả bó nhang, thắp cho thằng Long ba nén, và những người hàng xóm của nó, mỗi người một nén. Khói nhang lãng đãng trong một buổi chiều thu trong veo gợi nên điều gì? Nỗi buồn. Phải, nỗi buồn. Rồi thì cuối cùng mọi sự trên đời rốt lại cũng chỉ là nỗi buồn. Tại sao chị lại bỗng dưng lên cơn sốt đúng vào lúc thằng Long cần chị nhất. Đã không biết bao nhiêu lần, chị tự trách mình về điều này. Chị cũng sốt như nó, lại chẳng mấy thiết tha với cuộc sống này. Tại sao người chết đi không phải là chị? Cách đây ít lâu, chị cũng từng có một gia đình. Một người chồng và một đứa con trai, nếu còn sống nó cũng trạc tuổi thằng Long. Nhưng tất cả đều tan biến nhanh chóng như sương như khói vậy. Chị chẳng biết mình sẽ còn phải sống bao lâu nữa. Chỉ còn là sự chịu đựng, dù không sâu sắc, chị cũng biết điều này. Linh tính mách bảo rằng, chị sẽ còn phải chịu đựng rất lâu.
Chỉ vài giây sau khi khói nhang bay lên, một con bướm vàng to bằng bàn tay trẻ con bay đến đậu bên di ảnh thằng Long. Đôi cánh nó cũng chập xòe chập xòe như quán tính của mọi loài bướm, nhưng ở con này, tiết tấu rất chậm. Dường như nó, con bướm ấy cũng đang im lặng và nghĩ về nỗi buồn đời, giống chị.

VVQ- SG - 5/8/2008

DÂN TỘC THI CA & CÁI LỖ ĐÍT CHƯA KHÍT


Khi còn đang mài đít trên ghế nhà trường XHCN, chúng tôi được dậy rằng: Dân tộc ta là dân tộc thi ca. Đã có lúc tôi (và các bạn đồng lứa) tin điều đó. Và một thời gian dài ơi là dài, dài như cái giải rút quần, toàn dân ta đã tin và tự hào rằng: Dân tộc ta là dân tộc thi ca. Và còn cả gan phân chia địa hạt: Tầu là nơi của văn phú, với mấy bộ kì thư xem được, trong khi ta là mảnh đất thi ca đụng đâu thơ phọt đấy, đại thi phẩm kể sao cho hết.

Kể cũng đúng.

Này nhé: Bà già răng đen mắt toét móng chân tóe tòe loe vàng ươm béo ngậy, gót chân xẻ rãnh như mạng nhện nhưng xuất khẩu ra lục bát cứ như ngứa họng khạc ra đờm vậy. Có một thời, trên tờ báo Hà Nội Mới có hẳn mục thơ… đả kích, nào là:

Quần loe ống, áo hở lưng
Đầu bù tóc rối xin đừng đua nhau.

Hoặc:

Đầu phi-dê trông cao bồi
Đầu dài ngôi giữa hương nhài anh thương

Rồi thơ… nâng cao tinh thần cảnh giác:

Ở đây tai vách mạch rừng
Những điều bí mật xin đừng nói ra.

Hay là thơ… vệ sinh:

Con ruồi đậu ở chuồng phân
Cái chân của nó rất vi trùng nhiều

Hoặc thơ… hướng dẫn vệ sinh:

Ỉa sao trúng lỗ mới tài
Ỉa chệch ra ngoài kĩ thuật còn non

Chẳng là thời đó chưa có toilet riêng với bồn cầu như bây giờ, mà mọi người dùng chung, gọi là nhà xí công cộng. Cấu tạo của nhà xí công cộng rất đơn giản: có 2 viên gạch đặt theo hình chữ V để người hành sự ngồi đặt chân lên đó, đáy chữ V là một lỗ tròn, dùng để thả.

Thế nhưng do hướng dẫn kia (hình như) mang tính chủ quan, giáo điều, duy ý chí, áp đặt, nên đã có nhà phản biện:

Còn non thì mặc còn non
Phi trật vài hòn thì đã làm sao?

Lại cả thơ châm biếm mấy anh giầu xổi:

Từ ngày anh có A-kai
Hai bên hàng xóm điếc tai quá chừng
Nhạc chi cứ giật tùng tùng
Như là gậy gỗ khua thùng sắt tây…

Lại cả thơ chống cá độ bóng đá (thời tem phiếu mà các bố nhà ta đã cá độ mới ghê ):

Bên này Phăng xét cô li
Bên kia đã có Léc by kì tài
Dễ gì ai thắng được ai?
Coi chừng con át chủ bài Lác xen

Thôi thì đủ, kính thưa đồng kính gửi các loại đề tài thể hiện bằng (cũng) kính thưa đồng kính gửi các thể thi ca. Những đại thi nhân làm rạng danh tiếng Việt thì khỏi kể ra đây, trẻ lên hai nó cũng biết (tỷ như tác giả của câu thơ được cho là ám ảnh, giầu nhạc tính, tư tưởng nhân bản cao cả: Hòn đá to/Hòn đá nặng/Một người nhắc/Nhắc không đặng).

Ấy thế nhưng có một bài thơ, mà tôi cho rằng từ Đường thi bên Trung Hoa với nào là Khuất Nguyên, Thôi Hộ, Lý Bạch vân vân và vân vân, cho chí thơ Lý-Trần bên ta, rồi thơ Mới với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận… vân vân và vê vê, không một vị nào có nổi một tác phẩm có thể sánh với tác phẩm sau đây. Chính vì bài thơ này, tôi càng củng cố niềm tin: Dân tộc ta là dân tộc thi ca. Mỗi người dân Việt nhà một nhà thơ, từ tiểu thi nhơn tới đại thi hào.Và điều đáng nói hơn cả, tác giả của kiệt tác ấy lại là một thi gia khuyết danh.

Thế mới hay, kẻ thực tài đâu cần danh vọng !

Bài thơ gây ám ảnh vì những hình ảnh vô cùng biểu cảm và vi tế . Ngôn ngữ lúc cần phát thanh thì tượng hình, lúc cần bật hình thì tượng thanh, chẳng e dè kiêng nể một ai kể cả thượng đế, nhạc tính dạt dào, giai điệu lúc mượt như tơ lúc cương như thiết. Cứ thế mà múa bút phóng chữ, coi trời đất càn khôn như đồ bỏ, chỉ thiên hà tinh tú xa xăm kia mới là đáng kể.

Và đáng kể hơn nữa, đề tài của bài thơ chỉ đơn giản là vịnh một con ngựa mà thôi. Chỉ bằng bốn câu tứ tuyệt, làm sao lột tả được tâm lí, thần thái chiến mã tới vẻ dũng mãnh, oai hùng, thân thủ siêu phàm của thần mã ?

Và đây. Mời chúng sanh thưởng lãm thi phẩm và cùng ngất ngây với bản ngã. Cũng cần nói thêm: kẻ ra đề là nhà vua (là chức tương đương chủ tịch nước ngày nay), và đám thưởng thức là hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và các quần thần (kiểu như các đại biểu quốc hội, các nghị sĩ vậy):

Hoàng hậu đánh cái rít
Ngựa ông phi mù tít
Phi rồi phi lại
Lỗ đít vẫn chưa khít

Không còn gì để nói thêm. Kính bái phục!

Hình ảnh lỗ đít chưa kịp khít chỉ vì phát rắm phun ra, trong khi ngựa phi đi rổi phi lại và tới đích. Thật kinh hoàng làm sao. Hình ảnh mang dáng vẻ siêu siêu thực, nghĩa là thi ca dân tộc ta đi trước thi ca nhân loại tới dăm thế kỉ. Hình ảnh này, sự tưởng tượng này hẳn là chỉ có ở Thượng đế mà thôi. Ấy vậy mà tác giả của nó chỉ là một nhà thơ dân dã của Việt Nam. Hỏi làm sao tôi không tự hào ?

Dân tộc tôi - một dân tộc thi nhơn nhớn !

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

VÀI BỔ SUNG TỪ “VỤ ĐÔNG LA”


Dẫn nhập: Vài ngày nay, bên cạnh sự kiện hàng loạt các nhà đấu tranh dân chủ bị bắt và cùng hè nhau lên TV nhận tội xin khoan hồng, thì sự vụ Đông La vs Văn Chinh cũng thuộc loại “hot”, tất nhiên tính chất giữa hai sự việc là không thể so sánh, bởi một bên là vấn đề thời sự hoàn toàn nghiên túc, nghiêm trọng, trong khi sự vụ Đông La vs Văn Chinh tuy cũng mang mầu thời sự (văn chương), song nó lại mang dáng vẻ hài hước. Và trong chừng mực nào đó, vụ việc này cũng khiến không ít người (nhất là người trong giới văn bút) quan tâm, dù nó là hài hước hay nghiêm túc.

Bài của tác giả Tôn Văn đi trên weblog talawas, vậy theo lí thì bài của tôi cũng nên nằm bên đó. Song vì một lí do nào đó (có thể là bài thiếu nghiêm túc, có thể do những sự kiện trong bài không được kiểm chứng) ban biên tập talawas đã từ chối đi bài này. Việc chọn bài để đi hay ở, hoàn toàn là quyền của bbt, tôi không có ý kiến. Nhưng nếu phỏng đoán của tôi đúng, tức là bài không thể đi vì những sự việc trong bài không được kiểm chứng, thì tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái. Bởi những vụ việc đó hoàn toàn là sự thật, và tôi sẽ chịu trách nhiệm cho sự thật đó (ví dụ như việc Đông La truyền thụ võ công: Đã mất công, tốn chất xám “đánh” thì phải chọn hàng cho ra tấm ra món mà “đánh”, mới bõ. Mình “đánh” họ, chẳng cần biết thua được, đã đương nhiên coi như ngang hàng với họ, vốn là những người nổi tiếng). Hơn nữa, nhiều việc chính bản thân Đông La cũng thường khoe ra, và bàn dân thiên hạ không mấy ai còn lạ (ví dụ như sự vụ tiếp nhận bí kíp thi ca từ chính Chế Lan Viên)


***

Bài viết: Vài trao đổi từ “vụ Đông La” được tác giả Tôn Văn tiến hành viết rất cẩn thận, những thao tác nhằm so sánh hoặc chỉ ra những điểm đúng, điều sai đều rất thấu tình đạt lý. Và đáng trân trọng hơn nữa, khi Tôn Văn viết bài với thái độ đúng mực, lịch lãm, điềm đạm, nhẹ nhàng, từ đầu tới cuối (mặc dù, nhiều điểm, nhiều cách dùng từ của “bài phản biện” rất dễ khiến người viết không giữ được bình tĩnh) Luôn giữ được một thái độ điềm đạm từ đầu chí cuối như vậy đối với một bài viết không hề thiếu những điểm, những chi tiết chẳng hề dễ chịu thì quả là tác giả Tôn Văn hoàn toàn xứng đáng “điểm 10 cho chất lượng”, mặc dù (rõ ràng) anh chưa đi…bán dầu ăn bao giờ

Nhưng có một điều khá bất công, đó là đối tượng được thụ hưởng sự lịch lãm kia tỏ ra không mấy xứng đáng. Đôi tượng ấy chính là nhà phê bình, kiêm nhà văn, kiêm nhà thơ, kiêm nhà hóa học, nhà vật lý, kiêm nhà khí động học, thiên văn học, triết học và đôi khi kiêm luôn cả nhà … chính trị. Nhân vật có rất nhiều “kiêm” kia chính là Đông La (theo nhà văn Nguyễn Việt Hà, Đông La rõ ràng là khác với Bắc Thét, Nam Gào và … Tây Ngọng)

Tôi, kẻ viết những dòng này, kém nhà multipurpose Đông La tới gần hai chục tuổi, ấy thế mà chẳng hiểu ma dẫn lối quỉ đưa đường thế nào mà có một thời (cũng may là phúc tổ nhà tôi còn vượng lắm, nên thời gian đó không kéo dài) được nhà phê bình Đông La (từ đây sẽ chỉ gọi Đông La là nhà phê bình cho tiện) quan tâm để mắt tới. Nói vậy cho oai, thực ra sự để mắt của nhà phê bình với tôi chỉ là thi thoảng kêu tôi đi… nhậu thịt chó (sorry, so sorry…con chó). Trong các cuộc nhậu, nhà phê bình cũng có nhã ý “bồi dưỡng kiến thức văn chương, nghệ thuật, triết học” cho tôi, nhưng chỉ số IQ tôi không cao lắm nên chữ thầy giả thầy bằng sạch. May thế không biết!

Sau này nghĩ lại, tôi hú hồn hú vía. Có lẽ mả tổ nhà tôi táng ở nơi chẳng phải hàm rồng thì cũng là những nơi kha khá, bởi vậy nên tôi chẳng phải thấm nhuần hay quán triệt bất kể thứ kiến thức nào từ nhà multipurpose này.

Nhưng có một thủ pháp phê bình mà nhà phê bình Đông La đã không dưới đôi lần thì thào thẽ thọt vào tai tôi trong những cuộc nhậu, và có lẽ vì vậy, kiến thức đi kèm hơi rượu mùi thịt nên khiến tôi nhớ chúng như in. Nhớ một cách vô thức, dù chưa bao giờ mang ra áp dụng.

Lạy thánh mớ bái, tôi có gan dạ như anh Lê Văn Tám thì tôi cũng quyết chẳng bao giờ mang cái thủ pháp phê bình ấy ra mà ứng mà áp mà dụng.

Đọc tới đây, thể nào khối vị cũng mẩn rôm, nổi sẩy vì tò mò. Thôi thì tôi tiết lộ ngay lập tức đây: Thủ pháp của nhà phê bình Đông La là, chỉ phê, chỉ “đánh” những đứa tầm cỡ, có hạng, có máu mặt trong mọi lĩnh vực. Còn các cái loại lèng èng thì quên đi, nhá. Không có rỗi hơi mà đi “đánh” bọn này. Chưa kể vô phúc vớ phải thằng vô danh nhưng nội lực thâm hậu hơn, nó oánh giả thì có mà lỗ vốn nặng. Trong khi “đánh” bọn có tên có tuổi có số có má, chẳng may có thua cũng chả làm sao. Vì nó tài, nó giỏi. Chuyên gia nước ngoài như… ông Môngsto người Úc, anh Trymhoi người Hàn, bà Lôngsnack người Ý, cô Dytscong người Urugoay còn chịu thua bảy tám phần,, huống gì mình….

Đấy, đại khái cái thủ pháp ấy nó là như thế.

Dùng từ “bằng chứng” nghe có vẻ nghiêm trọng quá, có lẽ không nên. Chỉ cần để ý điểm danh những vị là đối tượng của nhà phê bình Đông La, lập tức thấy cai thủ pháp ấy lòi ra, rõ như ban ngày vậy. Giới nghiên cứu, thuộc nhóm khoa học xã hội nhân văn thì nào là Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Huệ Chi…Giới tư tưởng mà nhà phê bình Đông La sờ tới thì có Lữ Phương, Mai Thái Lĩnh, Hà Sỹ Phu… đám văn nghệ sĩ chuyên sáng tác thì nhà phê bình Đông La xuống tay có tên như nhà thơ “mỏng như rơi nghiêng” Trần Đăng Khoa, hay Đỗ Minh Tuấn, hoặc nữ văn sĩ li khai Dương Thu Hương, hoặc nhà văn cấp tiến có máu mặt Phạm thị Hoài, tệ lắm, “khan hàng” lắm thì Đông La mới xử tới dạng lìu tìu như Nguyện Việt Hà hay nhà văn mới phất như Đỗ Hoàng Diệu (À, quên, riêng Đỗ Hoàng Diệu thì Đông La không những không đánh mà còn mời đi ăn trưa tại một nhà hàng sang nhất Sài thành, món ăn cũng đắt nhất trong “mơnu”, cụ thể là Cá Bống Mú chưng tương hẳn hoi tử tế). Ai không tin, cứ hỏi thẳng nhà phê Đông La. Mà cũng chả phải hỏi, bởi nhà phê bình Đông La đã viết ra giấy trắng mực đen rồi cho phát tán trên in tờ nét hẳn hoi

Đôi khi, quá khan “hàng”, nhà phê bình Đông La lôi cả cái đám dân chủ nhân quyền ra mà tẩn tới tấp. Dưới ánh sánh chủ nghĩa Mác, nhà phê bình Đông La tẩn tất tần tật, chẳng ngại ngùng bất cứ điều gì

Ấy thế nhưng nhà phê bình Đông La cũng có những nguyên tắc. Nguyên tắc đó là: Tuyệt đối không bao giờ sử dụng thủ pháp này với những đối tượng đang nắm những trọng trách trong chính quyền

Cũng có vài biệt lệ, nhà phê bình Đông La chẳng những không “xuống tay” mà còn tỏ ra vô cùng ưu ái:

- Vì ông ấy kịp truyền bí kíp [hay y bát gì đó?] làm thơ cho Đông La rùi mới thăng (ông ấy là nhà thơ lớn Chế lan Viên)
- Vì bà ấy công nhận Đông La là nhà thơ vừa có tài vừa thông minh… gần nhất quả đất (bà ấy là nữ sĩ có tên tuổi: Anh Thơ)
- Vì ông ấy công nhận Đông La là cây viết văn xuôi số 2 của Việt Nam, chỉ sau ông ta (ông ta là nhà văn Nguyễn Khải)

Tất tật những nhâ vật/sự kiện vừa nêu, không ai dám cả gan tự dưng viết ra. Mà chỉ có nhà phê bình Đông La với thẩm quyền của người trong chăn, nên đã viết ra. Viết ra và xuất bản hẳn hoi tử tế

***

Nhưng dù sao, đối với tôi, Đông La cũng là một văn nghệ sĩ có tài. Tôi nói điều này với tất cả sự chân thành mà mình có được. Chẳng là khi talawas còn là bộ cũ, không hiểu Đông La đã tấu màn gì, hát bài gì, mà giữa đêm giữa hôm, một nữ độc giã đã phải đi cấp cứu vì xem/nghe/đọc Đông La.

Cô ấy đã cười tới mức rách âm hộ. Bục cơ vòng hậu môn

(độc giả có thể kiểm chứng:http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6524&rb=12
Và, từ cổ chí kim, đã danh hài nào làm rách hẳn một chiếc âm hộ vì chủ nhân chiếc âm hộ cười quá xá chưa?)

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Lịch Sử Việt Nam [tài liệu dùng cho nghiên cứu sinh]

Vào năm tám tám [1] vừa qua
Xảy ra trận chiến rất là nên thơ
Bên ta vừa oánh vừa chờ
Chờ lệnh bộ tổng xác [định] ta- bạn- thù
Bên nó lợi dụng tù mù
Tầu to súng nhỏ bắn ra vãi lìn
Tuần dương khu trục thuyền rồng
Quân thì đâu cỡ chừng vài chục thiên
Hành quân trên biển liên miên
Một vùng quần đảo đặc ken lính Tầu
Thế rồi tin tới từ đâu
Từ từ để tính chứ không đánh bừa
Tầu lạ rồi khắc sẽ quen
Mà suy cho kĩ lạ quen cũng tầu

Đại đội trưởng lòng buồn rầu
Tay thời bắn súng tay kia vò đầu [trym]
Miệng lẩm bẩm, có mấy câu:
Chỉ huy như cặc lính nào nó nghe
Chỉ huy bèn đáp tức thì:
"Trung ương bẩu thế chứ tao biết [đéo] gì"

---
[1] Năm 1988

(còn nữa)