Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009
Đùa nghiêm [xuân yêm] chỉnh !
Lê Anh Hoài
Đùa nghiêm chỉnh
(đọc “Ram bô yêu dấu” của Vương Văn Quang, Nxb Văn học – Bách Việt 2009)
Liên tu bất tận. Không đầu không cuối. Câu chữ cứ cuốn lấy nhau và cứ dính bết vào trí não người đọc, dù cho câu chuyện có thể chẳng có gì, thậm chí vô cùng nhảm. Vương Văn Quang không làm văn, anh bày tỏ một thái độ hậu hiện đại.
Cuốn sách “Ram bô yêu dấu” của Vương Văn Quang (tên thật Đỗ Trí Dũng) gồm 16 truyện ngắn. Trong số này, có những truyện mới đọc cái tên truyện đã cảm thấy là lạ: “Biên bản ghi nhớ về cái ngày hôm nay”, “Không biết để làm gì (!?)”, rồi lại còn kiểu nói lái nghịch ngợm “Đê vồ” (vô đề). Những truyện này đều được anh viết gần đây hơn cả, nó phản ánh cái nhìn ngày hôm nay của Quang ngày hôm nay.
Một cuộc yêu trong truyện của Vương Văn Quang thì sao? Tình yêu - cái thứ vốn thiêng liêng được anh mô tả trong “Không biết để làm gì (!?)” với giọng điệu: Tôi và nàng nhìn nhau vài lần, (...) Hai cặp mắt soi thẳng vào nhau, xa lạ và lạnh lùng. Nhưng hấp dẫn và cuốn hút nhau. Cái thứ mà ngay từ đầu truyện, tác giả đã bình thản đến sống sượng mà rằng: Sét chăng? Vớ vẩn, chẳng có chuyện tình ái ở đây. Mọi cách lí giải của các nhà văn, nhà thơ, nhà tâm lí, đều không giống, không đúng trong trường hợp này.
Hai nhân vật gặp nhau trong một buổi tiệc ấy lập tức hẹn hò nhau trong một restaurant của một khách sạn có tên nơi khiến thỉnh thoảng, tôi cũng nghĩ về số tiền tôi có trong ví, để rồi khi món tráng miệng đưa lên, thì tôi cố nghiêm trang nói theo lối thoại trong phim Mỹ: “Em có phản đối, nếu tôi đề nghị chúng ta sẽ ngủ với nhau đêm nay?”.
Sẽ là hết sức nhàm chán và sống sượng, như khi đọc bài về những vụ án hay tệ nạn trên báo, nhưng Vương Văn Quang đã thoát ra khỏi tình trạng này hết sức dễ dàng, dù giọng điệu trong truyện ngắn này (và nhiều truyện khác), từ đầu đến cuối vẫn tưng tửng không đổi. Anh khiến người đọc đau, mà không kịp hiểu vì sao mà đau. Đó là lối chơi của nhà văn hậu hiện đại. Không rao giảng, không lãng mạn, không lý do lý trấu, không đầu không đuôi, chỉ dày đặc những chi tiết, như mở toang một gian nhà kho bị bỏ quên, nhưng cuộc sống đương đại cứ lồ lộ trải hiện, với đầy đủ những ái ố hỉ nộ. Chỉ xin lưu ý một điều, cuộc sống với những con người ấy, không còn giống với cuộc sống với những con người ngày nào.
Trong “Đê vồ”, một truyện có lối viết hết sức phóng túng, gọi là tạp bút có lẽ cũng đường được, có đoạn như thế này: Khi chia tay, chúng tôi hôn nhau, ngay trên đường. Đó là thủ tục bình thường của những cặp tình nhân thời bản sắc văn hoá dân tộc đang có nguy cơ lung lay. Hôn âu yếm như Tây. Đắm đuối. Mắt cũng dấp dính. Đèn đường, đèn xe, nhấp nháy, đuổi nhau, mờ nhoè tạo cảm giác như đang coi một triển lãm ảnh nghệ thuật. Em bảo, mồm anh hôi quá, toàn mùi hành.
Tưởng đùa, nhưng có gì đó nghiêm chỉnh đến bất thường trong những câu ấy.
Đây cũng chính là kiểu cách của Quang ở ngoài đời. Ngồi chơi với chúng bạn văn nghệ, anh thường im im, rồi thỉnh thoảng tương ra một câu như vơ vẩn. Anh viết nhanh lúc bốc, nhưng cẩn trọng câu chữ. Quan tâm đến thời cuộc, theo kiểu của mình, bất kể khen chê, anh có nhận định riêng, và lối phát biểu riêng.
Vương Văn Quang ẩn tàng nhiều bất ngờ: nhà văn này xuất thân từ một diễn viên múa ballet, học hệ chính qui dài hạn 7 năm. Anh từng làm việc tại một số đoàn nghệ thuật, đi diễn nước ngoài nước trong. Rồi đùng một cái, bỏ nghề, bắt đầu cầm bút viết cuối năm 2003, truyện của Quang đã đăng trên nhiều báo. Bất ngờ khác: anh càng viết càng trẻ. 7X đời đầu - tuổi Canh Tuất - nhưng truyện của Vương Văn Quang viết gần đây như 9x. (Cũng nói luôn, con trai anh là nhà thơ Đỗ Trí Vương, sinh năm 1990, tác giả vào chung khảo giải thơ Bách Việt 2008).
Trong tập truyện “Ram bô yêu dấu”, có những truyện anh viết trước đây. Khi ấy, truyện vẫn nghiêm lắm: Kết cấu chặt, cốt truyện có mở ra có đóng vào, có thắt nút, có mở nút. Truyện một đôi vợ chồng trẻ xuất thân từ diễn viên múa, họ đã qua một đoạn đời cực nhọc với tình yêu, nhưng khi cuộc sống tiến lên thì tình yêu lùi lại, chồng bồ bịch, vợ bạc bài.... Rồi truyện với một đứa trẻ bị lãng quên và cuối cùng lìa đời... Những truyện này đọc được, nhưng không đủ sức làm nên một phong cách. May mà (lưu ý, tôi biết có người sẽ cho là rủi) Vương Văn Quang đã cởi bỏ được niêm luật, bung ra với diễn đạt thoáng cùng với tinh thần đương đại tươi tắn.
L.A.H
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét