Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

LỚP GIÀ, HÃY TỈNH LẠI & TỰ VẤN





- Vương Văn Quang –
Trên Tuổi Trẻ Cuối tuần, 2/11/07 (Vì bài không lên trang tuoitreonline nên tôi không thể đặt link, mà tôi sẽ xin phép nhà văn đưa bài lên như kiểu phụ lục), nhà văn Hồ Anh Thái có một bài viết ngắn: Đi cho biết. Bài viết tuy rất ngắn, nhưng nhà văn đã gợi mở cho ta thấy nhiều điều, và điều gì ngẫm cũng … thấy đúng!
Ngại đi, sợ đi, an phận thủ thường, ít khát vọng, không thích khám phá, kĩ năng giao tiếp với thế giới bên ngoài kém (cụ thể là ngoại ngữ) …v.v. Mở đầu bài viết, nhà văn cho ta thấy, những thuộc tính ấy là của người Việt Nam, là đặc tính Việt Nam, nhưng đối tượng nhà văn muốn nhắm tới và phê phán, đó là giới trẻ. Điều này là đương nhiên (bởi vì nói điều này với lớp già thì chẳng hóa ra… bằng thừa ư?). Nhưng, có thật sự là như vậy không?


Người đọc cảm nhận một sự trách móc (dù là nhè nhẹ) của nhà văn với giới trẻ. Và đó chính là điều đáng bàn.


Xưa nay, ở trường cũng như ở nhà, trong sách vở, trên báo chí, người Việt Nam ta thường dậy bảo lớp trẻ, trách móc lớp trẻ, mổ xẻ chi li tỉ mỉ lớp trẻ, băn khoăn về lớp trẻ …Ở trường, thì ngay từ bậc mẫu giáo nhỏ (lớp mầm chăng?), người ta đã ra sức, thả sức mà nhét vào đầu lũ trẻ, cái gì người lớn làm cũng đúng, cái gì người lớn nói thì… cấm cãi. Khiến cho lũ trẻ nhìn người lớn nào cũng như biểu tượng của chân lý vậy.


Nhưng ngược lại, ít khi thấy người ta có những “thao tác” suy tư tương tự như vậy về lớp già. Điều này cũng có thể khẳng định ngay: đó là truyền thống của người Việt Nam. Tục ngữ thì: Cụ bẩy mươi còn phải hỏi cụ bẩy mốt, ca dao thì: Khôn đâu tới trẻ/ khỏe đâu tới già, Đi xa hỏi già/ về nhà hỏi trẻ. Và cái câu tục ngữ rất đáng ghét vì tính áp đặt, giáo điều, tuy có vẻ xuất phát bên Tầu, có vẻ là lời Khổng Khâu, nhưng người Việt ta lại ảnh hưởng nó một cách vô cùng sâu đậm: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du cú”, chính vì ghét cái “tư tưởng” này nên tôi lại thích cái câu tục ngữ đường phố, tuy nó có vẻ “hơi bị” láo: “Đã dại thì tới già vẫn dại”. Quả thật, thực chứng đời sống cho ta thấy, điều đó thường là …đúng. Ồ! Thế mới “đau” chứ lị


Tại sao người ta không suy tư, không một lần thử “mổ” lớp già để tìm nguyên nhân những nhược điểm của lớp trẻ hiện thời?


Giới trẻ Việt Nam thiếu tự tin, an phận thủ thường, là do kiểu cách giáo dục, ứng xử truyền thống của lớp già (lớp già này lại chịu ảnh hưởng điều tương tự từ lớp già trước, cứ như thế mà quay vòng, nó trở thành một “ý thức hệ dân tộc”). Có mấy gia đình Việt cho trẻ con ngủ riêng từ lúc lọt lòng ? Có mấy gia đình Việt điều kiện sống đầy đủ lại khuyến khích con cái “tự thân vận động”, tự lo cho mình một cách triệt để trong khả năng có thể ? Tâm lí luôn coi con cái là những đứa trẻ cần bảo bọc (dù chúng không còn trẻ, thậm chí đã già) là tâm lí của tuyệt đại đa số các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ Việt ! (Bà mẹ tôi, vào Sài Gòn chơi, nhưng tới bữa cơm luôn gọi điện ra Hà Nội cho ông con giai trưởng (bé bỏng 43 tuổi) để hỏi … đã ăn cơm chưa). Trong khi đó, câu chuyện của chàng thanh niên Che Guevara không phải là câu chuyện quá đặc biệt của thanh niên Âu-Mĩ.


Tôi từng biết một thanh niên Mĩ, vừa xong năm nhất đại học, bảo lưu kết quả và nhẩy tót ra đường, đi lang thang. Gã đi một loạt các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với chiếc ví lép kẹp, hay nói cho chính xác là với chiếc ví chỉ là ví. Thậm chí không thèm có cả cái ba-lô (hay có thể gã vứt đâu đó, khi cần thì ra… bãi rác kiếm lại chăng?). Hết tiền thì làm ra tiền. Việc gì cũng làm. Và gã sống tốt. Gã dậy Anh văn, kiếm cả ngàn dollar một tháng, trung tâm Anh ngữ nọ, vì lí do gì đó phải giải tán, gã đi làm… phu hồ (chuyện thật 100%, và chính vì gã làm phu hồ, nên tôi mới quen, và biết gã). Tới nay, gã vẫn lang thang đâu đó bên đất Chùa Tháp và chưa có ý định quay về.


Giới trẻ Âu-Mĩ làm được điều này không phải vì họ là công dân thế giới, hay công dân loại 1 như nhiều người vẫn nói, công nhận là có đúng, nhưng cũng chỉ là một phần vô cùng nhỏ, mà bởi “giới già” Âu-Mĩ biết “quăng quật” con cái một cách hợp lí, dưỡng dục một cách khoa học. Không có chuyện “nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa” con cái một cách thậm tệ vô lí như như các bậc phụ huynh Việt.


Với “bọn Tây”, chúng chơi đùa, ngã, khóc. Và cũng như trẻ con Việt Nam, chúng quay ra nhìn bố mẹ, ông bà. Nếu ông bà, hay bố mẹ “Tây” cũng lại “đánh chừa” cái sân làm em đau, “mắng mỏ” viên sỏi làm em vấp ngã, thì đương nhiên là trẻ “Tây” hay trẻ “Ta” sẽ đều cùng một giuộc cả. Nó càng gào. Gào thật lực. Nhưng khác với các bậc sinh thành Việt với cài trò rất ư vớ vẩn là “đánh chừa” cái sân, hòn đá, ông bà cha mẹ “Tây” sẽ tỉnh bơ như sáo sậu, quên đi, nhá! Khóc to càng khỏe phổi, hết đau hết khóc. Tự ngã thì ráng mà chịu đau.


Và vì vậy, hệ quả của nó sẽ là “Ỷ lại hay không ỷ lại. Đó là câu hỏi”. Ai hay qua lại các sân bay châu Âu, lại hay săm soi, để ý, thì sẽ thấy rất rõ. Ở góc khuất nào có tiếng trẻ con khóc to như gào, như thét, rõ là nhằm ăn vạ, thì 100 % là quân (châu Á) ta, trong đó chiếm tới ¾ là quân Việt mình đấy. Còn chỗ nào có tiếng khóc ti tỉ, khóc nho nhỏ, âm ức, thì đích thị là “bọn Tây”, cấm có sai


Vụ việc Vàng Anh vừa qua cũng là dịp cho các “nhà” mổ xẻ phân tích lớp trẻ. Họ gióng lên các kiểu chuông lớn chuông bé chuông rè chuông vang. Họ băn khoăn về một lớp trẻ mất phương hướng, thiếu lí tưởng sống, buông thả, hoang lạc, thác loạn. Họ nghiêm nghị cảnh báo về một cuộc “xâm lăng văn hoá”, về “mặt trái của toàn cầu hoá”, về một “cái giá phải trả cho phát triển kinh tế” của lớp trẻ. Toàn những hồi chuông rợn người mà ai cũng phải giật mình nhìn lại… lớp trẻ.
Khốn khổ ở chỗ ấy!


Một thao tác tối cần thiết là nhìn lại lớp giả, mổ xẻ lớp già, thì lại chẳng ai làm, hầu như không thấy ai nhìn, ai “mổ”. Quãng thời gian già hai chục năm, non ba chục năm là dài hay ngắn cho một “hành trình tư tưởng”? Cái “hành trình tư tưởng” khiến cho những giá trị đạo đức nền tảng nhất, cơ bản nhất bỗng chốc lộn tùng phèo (có quyền nói lái). Cách đây hai chục năm, “đàn bà chửa hoang” là điều ghê tởm sẽ bị “ném đá”, tình dục trước hôn nhân là điều cấm kị, “ăn cơm trước kẻng” là việc làm đáng xấu hổ và bị cộng đồng phỉ nhổ …v.v; vậy mà hôm nay, trong khi chương trình giáo dục (cả giáo dục nhà trường, gia đình, lẫn “giáo dục xã hội”) chưa hề công khai phê phán giá trị cũ, cổ vũ xiển dương những ưu điểm của giá trị mới, bỗng đùng một cái người ta la làng: “quan hệ tình dục là bình thường” (bất kể tình huống nào), “tự chửa, tự đẻ, tự nuôi là dũng cảm” … v.v.


Tôi không muốn bàn tới chuyện đúng sai, không muốn bênh vực cổ vũ cho “hệ giá trị” nào, bởi bàn về nó chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức; nhưng tôi muốn hỏi, phải chăng sự lấp liếm, nói lấy được, đổ thừa, đổi trắng thay đen là nhằm che dấu một vấn đề gì khác? Sự thiếu lí tưởng, buông thả ở lớp trẻ chắc không phải đến từ “toàn cầu hoá” hay bị “xâm lăng văn hoá”, nếu có cũng không đáng kể, mà nó đến từ chính lớp già, là kẻ trực tiếp nhất tác động đến nó. Xin đừng cãi rằng: “dưng cơ mà tôi dậy nó toàn điều hay lẽ phải”. Nói ngắn gọn, chúng ta đang thiếu một cuộc “tổng tự vấn”, thiếu một thái độ công bằng giữa lớp trẻ và lớp già. Có lẽ, cái chân lí phẳng cũ kĩ “dột từ nóc dột xuống” vẫn còn rất đúng.


Nếu lớp trẻ hôm nay khốn nạn thì chắc chắn là tại lớp già khốn kiếp, chứ không bởi gì khác. Con ông thượng tá công an “ấy nhau” với ngôi sao truyền hình rồi “quay phim ghi lại giây phút thăng hoa” chắc chắn có nguyên nhân từ một lớp già ưu tú như ông thứ trưởng đánh bài póp bướm, ông chủ nhiệm uỷ ban chính phủ xả xui bằng bướm trẻ em, chứ dứt khoát không phải từ “thế giới phẳng” hay “blog đen”, internet …


Hiện thực hôm nay luôn là hệ quả của hôm qua. Có lẽ, hơn lúc nào hết, đây là lúc rất cần một cuộc “tổng mổ xẻ”, “tổng tự vấn”, “tổng tự xỉ”.


Đặc biệt là của… lớp già!
-___________________
PHỤ LỤC
ĐI CHO BIẾT
- Hồ Anh Thái -
Khuyên người ta cứ loanh quanh ở trong nhà, đừng có ra với thiên hạ, người Việt có cả một kho ngôn từ phong phú.
Nào là tục ngữ: Sểnh nhà ra thất nghiệp.
Nào là ca dao: Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Từ đó hình thành một tập tính luẩn quẩn ở quanh nơi mình cư trú. Hễ định dấn bước ra bên ngoài lũy tre làng, bên ngoài thành phố của mình đều thấy có điều đáng ngần ngại, đáng đề phòng. Làm ăn vất vả, đời sống nhiều biến động... tạo nên tâm lý thu vén về gần, nương náu ngay tại nơi cư trú của mình. Ra với thiên hạ là chuyện “chẳng may”, là “tha phương cầu thực”, đến sống ở một nơi khác bị coi là dân “ngụ cư”...
Có một bộ phim gây tiếng vang năm 2004 mang tên Nhật ký trên xe gắn máy (The Motorcycle Diaries) kể về chuyến đi xuyên qua các nước Nam Mỹ của Che Guevara. Lúc ấy chưa phải là nhà cách mạng lừng danh mà là chàng trai tuổi đôi mươi Ernesto, còn nửa năm nữa mới tốt nghiệp thành bác sĩ, chuyên ngành bệnh phong, trong người lại mang bệnh hen suyễn nặng. Thế mà Ernesto quyết định bảo lưu kết quả học tập, rồi cùng một anh bạn lên đường. Xem cái châu lục mình đang sống nó ra làm sao. Hai anh chàng cưỡi trên một chiếc xe máy cọc cạch, bao phen lên bờ xuống ruộng, vậy mà đi được hơn bảy tháng trời, xuyên qua sáu nước. Chưa ra khỏi Argentina, “vừa mới” đi được 600 km, anh chàng sa vào một mối tình sét đánh. Dự định dừng chân hai ngày đã kéo thành tám ngày. Nếu ở lại làm rể một gia đình sung túc, anh sẽ có một cuộc đời bình yên, nhiều hứa hẹn. Mê đắm, nhưng phút chia tay “không hiểu tôi lấy đâu ra nghị lực để có thể quay đi, không nhìn vào mắt cô ấy”. Tình yêu ấy cũng đáng để cho anh mềm lòng ở lại. Nhưng nếu ở lại thì đã không có một chuyến đi thức tỉnh đến như vậy, sẽ khó mà có được một nhà cách mạng tầm nhìn rộng lớn như sau này.
Quay lại nhìn mới thấy thanh niên mình bây giờ ít có những chuyến đi lớn. Đôi ba cuộc du lịch mới chỉ là giang hồ vặt. Đôi ba chuyến công tác chỉ là do yêu cầu, tiện mà đi. Sao mà thiếu những người mười tám đôi mươi, một cái ba lô trên vai là chủ động đi khắp các châu lục, ít ra là khắp khu vực Đông Nam Á của mình!
Họ sẽ bảo: Đi thì ai chẳng thích, nhưng phải hiểu cho, để lên đường, chúng tôi cần rất nhiều thứ.
Họ cần gì?
- Cần ngoại ngữ,
- Cần tiền,
- Cần thời gian (phải xin phép nhà trường, xin tạm nghỉ việc cơ quan?)
Họ kể ra bằng ấy thứ, mới thấy cái thiếu cũng thật là lớn. Phong trào học ngoại ngữ có vẻ phát về chiều rộng mà chưa đủ cho giao tiếp thực sự, trước mắt là trong khu vực Đông Nam Á này thôi. Nô nức đi học thì nhiều, sử dụng cho được thì rất hạn chế. “Nói mỏi tay” thì ra với thiện hạ là chán, là ngại, là sợ bị lừa. Nói đến tiền để lên đường, nhiều nam thanh nữ tú không hẳn đã không tự lo được. Người phải lo thì hình như lại thiếu sáng kiến, thiếu một tinh thần phiêu lưu và khám phá. Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8-2007, có hai người bạn, một nam một nữ, thực hiện một chuyến xuyên Việt trên xe đạp. Nhìn ảnh trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần 5-8-2007 thấy hai cái xe đạp rất thường mà đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Mỗi người chỉ có 1 triệu đồng với gần 30 kg hành trang, mang theo cả xoong nồi, bếp ga, thực phẩm... Tức là họ đã biết lường trước những tình huống khó khăn, những vùng địa lý hiểm trở, những vùng khí hậu thất thường. Một khi đã quyết lên đường, những khó khăn lường trước chỉ càng gây hào hứng, không hề làm nhụt chí thanh niên. Đã quyết thì mọi vướng mắc đều có thể thu xếp được, ngay cả trước khi đi.
Người ngần ngại lên đường, khi ngồi kể ra những cái thiếu ở trên, tức là họ đang thực sự thiếu những cái khác nữa: thiếu tinh thần ham hiểu biết cái thế giới mà ta đang sống, thiếu tinh thần khám phá và thử sức trẻ ở giữa thiên hạ, thiếu khao khát có được những cảm xúc thật mạnh, thật mới mẻ, thật rộng lớn. Phải có cảm xúc ấy mới có lúc chuyển hóa thành sự thức tỉnh, sự giác ngộ, thành tinh thần liên kết những cá thể trên một diện rộng.
Nhưng thanh niên mình hình như cũng dễ tự bằng lòng. Xa xôi ngoài thiên hạ có thể là nhiều cái mới lạ, nhưng ở đây ta cũng ngày ngày vun vút xe máy trong phố phường trong làng xóm của mình. Ta cũng đi đó đi đây trong khu vực của mình. Ta cũng tụ họp, cũng đầy những thứ để khám phá. Một đời sống khá no đủ không có gì phải phàn nàn. Nói chuyện lên đường ư? Đã đi là đi hẳn hoi du học, đi làm việc hải ngoại, đi hẳn hoi mấy giờ bay. Xuyên Việt, xuyên Đông Nam Á bằng xe máy xe đạp, ăn thua gì.
Thế là thành tâm lý không đi xa tít được thì ta ngồi nhà. Ru rú ở nơi cư trú.
Nhưng đến đây thì cũng phải nói lại, người Việt từ xa xưa không phải chỉ là sợ ra với thiên hạ như đã nói ở trên. Tầng lớp trí thức trong xã hội ngày ấy cũng đã biết khuyên dân mình.
Bằng chứng là câu tục ngữ này: Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Bằng chứng là câu ca dao này: Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
Nữa: Trong nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta.
...
Tuổi trẻ Cuối tuần, 2-11-2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét