Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Nói với mình và các bạn: Lừa ở xứ Lừa


Nguyên nhân đầu tiên [và có lẽ, duy nhất] khiến tôi viết những dòng này, vì tôi đọc thấy chữ “xứ lừa” trong bài của bà[ông?] Đoan Trang. Chữ “xứ lừa”, tự nhiên, như một cú điểm huyệt với tôi. Cú điểm huyệt này không tới từ tình tự tông dật hay tự hào dân tộc, chỉ đơn giản, tôi là [một trong những?] kẻ đầu tiên sử dụng từ này, từ hồi còn Yahoo 360, diễn đàn X.cafe… Nhận bản quyền trên cõi ảo là việc làm ngây ngô, vô nghĩa, nhưng dù sao, tôi cũng nhói đau khi thấy đứa con hoang của mình bị coi thường [không viết hoa. Tôi luôn viết hoa. Lừa ơi].

Bà Đoan Trang cho rằng, những kẻ gọi “xứ lừa” là những kẻ “yếm thế, bất đắc chí, vô cảm”. Tôi không nghĩ vậy.

Viết những bài dài hơi với lý luận hùng hồn sắc bén được bảo chứng bởi không ít những trích dẫn Tây Tầu nhằm “góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về tự do ngôn luận là việc làm hồn nhiên, đáng yêu. Giống với bà Đoan Trang, tôi cũng viết hàng đống bài như thế với mục đích cao đẹp tương tự khi tôi còn trẻ trung đầy nhiệt huyết và không thiếu vô tư hồn nhiên [vô hồn] vô tư duyên dáng [vô duyên].

Hôm nay, dù không còn trẻ trung hồn nhiên, nhưng tôi tin mình không “vô cảm yếm thế” khi dưới ngón tay của tôi luôn tuôn ra hàng đống Lừa ở xứ Lừa [thậm chí tôi còn đang viết một cuốn sách về Lừa ở xứ Lừa]. Bà Đoan Trang [cùng những người khác] viết lách nghiêm túc, lí luận hùng hồn, lí thuyết chặt chẽ; tôi không phản đối, thậm chí tôi còn ủng hộ quyết liệt. Đó là lựa chọn của bà. Lựa chọn của tôi là “Lừa ở xứ Lừa”. Dĩ nhiên, lựa chọn của tôi không đứng đắn, thiếu lí luận đanh thép hay du dương hùng biện…, nhưng tôi không tin việc làm của bà Đoan Trang có ích, có ý nghĩa hơn việc làm của tôi. Tôi nghĩ niềm tin này có cơ sở, bởi, như đã nói, tôi từng làm cái việc giống bà, viết hàng trăm bài viết dài hơi với không thiếu lí luận, hùng biện văng bọt mép.

“Thân lừa ưa nặng”, “ngu như lừa” là những thuộc tính người ta gán cho giống lừa. Chính vì những thuộc tính này, nên tôi nghĩ, dùng Lừa để gọi tên, để ám chỉ là không quá đáng. Có lẽ đặc tính lớn nhất của dân tộc này là ngu và nghèo. Gọi là đặc tính vì sự ngu và nghèo nó không có tính đột xuất, nó không xuất hiện trong từng thời điểm vài chục năm hay một, hai trăm năm, mà nó đồng hành với dân tộc này suốt quá trình lịch sử. Cái ngu và nghèo đến từ nguyên nhân chủ quan hay khách quan, là việc đáng bàn nhưng khi mà ngu nghèo đeo đẳng dân tộc suốt lịch sử thì nên đặt câu hỏi, liệu dân tộc này có phải là một dân tộc đặc biệt?

Trong lịch sử, dân Lừa có vài thời điểm tưởng như thoát kiếp ngu nghèo, nhưng trớ trêu, đó là những thời điểm mà Lừa được ngoại nhân dắt mũi tét mông. Cụ thể là người Pháp, người Mĩ. Ông Nguyễn Gia Kiểng đã nói rất hay: Người Pháp còng tay người Việt dắt vào văn minh. Người Mĩ thì sao, họ đã đô hộ bóc lột nam Lừa, tức Việt Nam Cộng Hòa, tới mức ông Lí Quang Diệu phải thốt lên, ước gì Singapore bằng được Việt Nam Cộng Hòa.

Phải có kẻ xỏ dây vào mũi dắt và tét mông mới chịu đi, đó chỉ có thể là lừa or Lừa

Bỏ qua cái nghèo, xét về cái ngu. Cái ngu tôi muốn nói không phải cái ngu của đám đông, mà tôi muốn nói tới cái ngu của đám tinh hoa, trí thức. Giới tinh hoa Lừa, bên cạnh cái ngu, còn có một số đức tính đáng quí khác, đó là hèn, là vô liêm sỉ.

Có người la, Đảng Cộng Sản Lừa lừa Lừa. Một trong những thuộc tính của kẻ làm chính trị [chính trị gia, khác với ý thức chính trị ở đám đông] là nói láo, lừa đảo. Vậy sao trách họ lừa đảo khi đó là thuộc tính của họ? Tại sao nạn nhân - những kẻ bị lừa – không nghi vấn sự sáng suốt của mình, hay nói thẳng ra là vì ngu nên bị lừa.

Một triết gia lừng danh đọc nát sách tây, trình không kém gì Jean Paul Sartre nhưng vẫn tình nguyện bị lừa, tới cuối đời vẫn lọ mọ viết bài đánh “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Một ông thợ toán có giải vàng quốc tế, uy tín xã hội lừng lững đã phát biểu rằng, trí thức tốt là kẻ làm ra sản phẩm trí thức chất lượng cao, trí thức không liên can, không cần quan tâm tới những trò như phản biện xã hội hay bất cứ gì khác. Một ông có cha là trí thức gộc bị cộng sản đập chết ăn thịt mà vẫn hồn nhiên “Đảng đã cho ta mùa xuân”. Có ông đoạt giải Chopin, uy tín xã hội cũng vật vã, cũng có bố là Nhân văn-Giai phẩm, khốn khổ khốn nạn vì cộng sản, nhưng ông theo chủ nghĩa Mackeno, vẫn về Lừa oánh đàn choang choác và hớn hở nhận danh hiệu NSND.

Nhà văn, giới được coi là lương tâm của xã hội, thì sao? Nhà văn Lừa cũng như giới tinh hoa Lừa nói chung, ngoài sự ngu thì họ có rất nhiều vô liêm sỉ và hèn mạt. 95% nhà văn Lừa hồn nhiên làm thân nô tài nếu độ ngu và hèn cao hơn độ vô sỉ; nếu độ vô liêm sỉ cao hơn họ sẽ làm nô tài một cách toan tính. 5% nhà văn còn lại không ngu thậm chí còn có chút tài, càng không vô sỉ vì họ còn biết đối kháng, bất đồng chính kiến, nhưng họ đâu cả rồi? Họ chết rồi, vì họ chọn sống lưu vong. Nhà văn, tách hắn khỏi môi trường của hắn, hắn chết. Thực tế đúng như thế, những tài năng văn chương Lừa ở hải ngoại, họ viết gì ngoài thỉnh thoảng quăng ra một tiểu luận xuất sắc hóm hỉnh đầy trí tuệ và cũng rất nhảm nhí. Giúp gì cho đời?

Suốt hành trình lịch sử văn học chữ quốc ngữ, ở Lừa chỉ có một kẻ duy nhất xứng đáng vơi danh xưng Nhà Văn, đó là Nhất Linh. Tại sao ngay từ thời điểm sơ khai, manh nha của cộng sản Lừa, ông ta không những không bị lừa mà còn chống đối quyết liệt? Hỏi là trả lời đấy!

Hiện tượng gần đây xuất hiện hàng loạt những hồi kí của những kẻ có uy tín xã hội, những tên tuổi lớn, nói lên điều gì? Chẳng gì khác ngoài ngu, hèn, và vô liêm sỉ. Tại sao từng ấy năm trong lòng chế độ, họ vẫn cúc cung tận tụy, thậm chí còn sắt máu, ăn bổng ăn lộc vinh thân phì gia, cho đến khi về hưu sắp chết mới “phản tỉnh”? Lại, hỏi là giả nhời đấy!

Cũng lại gần đây, hiện tượng các nhân sĩ trí thức liên tục đơn, thư, kiến nghị, đề nghị, các kiểu các loại, trong khi giới cầm quyền lì lợm như trâu, không phản ứng, không quan tâm. Một bên không quan tâm, bên kia cứ gù lưng kiến nghị.

Tôi không phản đối việc đơn thư kiến nghị của các vị nhưng tôi thấy việc làm ấy nó có cái gì rất giống Nguyễn Trường Tộ khi xưa [một trí thức lớn mang tư tưởng vua sáng tôi hiền, chuyên nghề tấu biểu lên vua dù vua nghe hay không].

Trở lại bài viết của bà Đoan Trang. Bà trưng ra ông Tây để lí giải cho sự vô cảm ở một bộ phận [lớn] Lừa. Thưa bà, ông Tây ấy sai rồi, hay ít nhất, lí thuyết của ông ta không đúng khi mang áp dụng vào Lừa [tôi nói rồi, Lừa đặc biệt mà]. Chẳng có “cố gắng”, “ngăn trở”, “đáp ứng”, “nhu cầu” nào gây nên sự vô cảm ở Lừa. Sự vô cảm của Lừa xuất phát từ sự hồn nhiên ngu dốt bản năng được tương tác với chính sách giáo dục nhồi sọ ngu dân của cộng sản Lừa. Chỉ có một nguyên nhân ấy, và chỉ một mà thôi.

Để chữa bệnh vô cảm Lừa, ông Tây của bà Đoan Trang cũng sai nốt khi cho rằng “Hãy giúp mọi người tìm ra những niềm hy vọng mới, hãy tạo ra nguồn năng lượng, để cùng nhau vượt qua bệnh vô cảm”

Chữa bệnh vô cảm cho Lừa không dễ như thế [cả ông Tây lẫn bà Đoan Trang hơi bị lãng mạn]. Chữa bệnh vô cảm cho Lừa chính là chữa bệnh ngu. Muốn chữa ngu, cần thay đổi toàn bộ từ nền móng, tư duy của ngành giáo dục. Nhưng làm việc này sao đây khi thể chế độc tài vẫn chình ình ngự trị? Thật là đội đá vá trời. Bế tắc ư? Không đến nỗi bi quan như vậy. Việc trước mắt nhằm làm Lừa bớt lừa, là ở giới tinh hoa, tri thức. Họ nên suy xét ngắm nghía lại mình và việc làm của mình, bên cạnh đó là không ngừng hoàn thiện bằng việc bổ túc kiến thức [kiến thức nhân loại là bao la] nhằm thoát khỏi tình trạng ếch đáy giếng và tư tưởng vua sáng tôi hiền. Đại khái thế.

Cuối cùng, tôi mong bà Đoan Trang ở những lần viết sau, nên suy xét thận trọng hơn, tránh khái quát vội vã, tránh vô tư hồn nhiên [vô hồn, như tôi ngày xưa] để rồi cho ra những bài viết vô ích [tôi không muốn nói là nhảm]
                                                                                                                        
4/3/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét