Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Mối quan hệ giữa múa Ballett, Văn chương, và Rắm (Fart) [1]



Ballett xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ 18 ở Ytalia, rất nhanh chóng, nó lan ra toàn châu Âu, phát triển rực rỡ ở Pháp, và sau này, khoảng đầu thế kỉ 20 nó xâm lược toàn thế giới. Sự bành trướng ảnh hưởng của ballett trong nghệ thuật múa là không thể phủ nhận. Bất kì một diễn viên múa chuyên nghiệp nào trên thế giới đều phải nắm bắt (ít nhất) khái niệm cơ bản về ballett. Một diễn viên múa (nói chung) đẳng cấp cao cũng đồng nghĩa với một diễn viên ballett giỏi.

Ballet là một bộ môn nghệ thuật cổ điển và hàn lâm. Cổ điển ở đây không phải cũ, mà nó cổ điển bởi độ qui chuẩn rất cao, đạt tới mức gần như tuyệt đối. Mọi nỗ lực về sau này của những người muốn cải cách ballett hầu như thất bại. Cái đẹp của nghệ thuật ballett là cái đẹp cổ điển, đã đóng khung, giá trị bất biến. Nói ballett hàn lâm bởi bản thân nó sinh ra từ giới quí tộc. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cung đình và các phòng khách của những nhân vật quan trọng bên châu Âu trong suốt gần hai thế kỉ. Rất nhiều những vũ công và những biên đạo ballett nổi tiếng đồng thời là những quí tộc lớn, mà trong đó điển hình là vua Louis 14 [2]. Có lẽ, ballett chưa bao giờ là món ăn tinh thần của giới bình dân, cho tới cả ngày hôm nay

Theo khảo sát của viện Boxphest [3], trong tất cả các bộ môn nghệ thuật,  ballet là bộ môn nghệ thuật gần rắm và sinh ra nhiều rắm nhất.

+ Không có kẻ làm nghệ thuật nào hôi [mùi rắm] như vũ công ballét. Tập luyện hay biểu diễn xong, vũ công ballet bốc lên mùi rắm, đặc biệt nơi hai bàn chân.

+ Trong các động tác cơ bản của ballett, động tác grande jéte cướp đi ít nhất một cơ số rắm nào đó của bất kì một diễn viên nào. Cả nam lẫn nữ. Grande jeté [4] là động tác đá chân. Trong phần nhẩy (allegro) thì sẽ là đá cả hai chân. Grand jeté yêu cầu đá chân càng cao càng tốt (thường là gần chạm mũi) nhưng lại bắt buộc phải thẳng lưng, hóp mông, thóp bụng, mở hông. Căng đầu gối, duỗi mu chân và đè hai vai hết cỡ. Chỉ cần nói qua yêu cầu của động tác này ối người đã vãi rắm, đừng nói là thực hiện nó.

+Diễn viên ballett nữ đặc biệt vãi rắm nhiều khi tập và biểu diễn trên giầy mũi cứng. Mà các vai nữ chính trong các vũ kịch, nữ diên viên luôn phải sử dụng giầy mũi cứng

+Diễn viên ballett nam vãi rắm nhiều khi thực hiện các động tác bê đỡ  trong những màn duo (múa đôi) pas duexder (múa đôi thể hiện kĩ thuật lớn, quay, nhẩy) adagio (múa đôi một cách trữ tình)

Và quan trọng hơn, tất cả những diễn viên ballett chuyên nghiệp dứt khoát phải thốt lên ít nhất một lần trong cả sự nghiệp: “Mệt vãi rắm”

Trong một lần được phỏng vấn, trả lời câu hỏi về chế độ thù lao hiện hành của nhà nước với một diễn viên ballett, Biên đạo múa, NSND Nguyễn Công X, nói: “Tiền bồi dưỡng đêm diễn đủ để ăn bát phở. Đánh phát rắm là đói meo”

Theo tinh thần chủ nghĩa cộng sản, nghệ thuật là phục vụ quần chúng, đặc biệt là giai cấp công – nông, nên ballett cũng không thoát khỏi nhiệm vụ chính trị cao cả đó, mặc kệ nó là một bộ môn hàn lâm rất khó tiêu hoá với số đông. Sau đêm công diễn vở ballett kinh điển “Gisel” tại sân kho của hợp tác xã nông nghiệp huyện X, phóng viên một tờ báo nọ đã phỏng vấn một bác nông dân, rằng bác cảm thấy múa ballet thế nào. Bác nông dân không đắn đo, bảo: “Múa với chả may, như rắm”

Trong các bộ môn nghệ thuật, có lẽ ballett xung khắc nhất với văn chương. Điều này đặc biệt đúng ở  Việt Nam.  Chẳng phải ngẫu nhiên mà 95,7% các văn sĩ không thể tiếp cận, cảm nhận được nghệ thuật ballett. Và 97,5% diễn viên ballet chưa từng đọc một văn bản văn học, hoặc ít nhất là không thể phân biệt nổi một bài thơ hiện đại với một truyện ngắn, hay một bài vè với một bài thơ cách mạng (cũng theo khảo sát của viện Boxphest).

Nhưng điều quan trọng hơn cả khiến văn sĩ và vũ công ballett như mặt trăng mặt trời là bởi: văn sĩ không bao giờ đánh rắm.

Văn sĩ không đánh rắm có nhiều lí do. Vì ngồi nhiều, vì mơ mộng, vì tư duy siêu hình, vì muốn định hướng xã hội chủ nghĩa … v.v, nhưng quan trọng nhất là văn sĩ không thèm, không biết, không chịu đánh rắm

Mùi văn sĩ có thể là  thuốc lào thuốc lá rượu bia thối mồm hôi nách, chứ tuyệt nhiên văn sĩ không bao giờ bốc mùi rắm. Văn sĩ mậu dịch có thể thơm như múi mít vì xức nước hoa Thanh Hương, văn sĩ vỉa hè có thể khét lẹt vì lười thay quần áo. Nhưng bốc mùi rắm thì ko. Tuyệt nhiên không. Vì đặc thù lao động văn chương là rung đùi ngồi một chỗ.

Tất cả mọi thứ xuất phát từ con người, văn chương đều đã đề cập. Chắc mọi người đều biết, một trong những nhà văn làm rạng rỡ nền văn xuôi Việt Nam đương đại là Nguyễn Huy Thiệp còn được biết tới với tư cách là nhà văn có công “đưa phân tươi vào văn học”. Nhưng rắm thì chưa. Chưa có nhà văn nào quan tâm tới rắm (nếu không thể trốn tránh thì cùng lắm là họ viết là “trung tiện”, tức là rắm của người Tầu). Họ cãi nhau về những vấn đề như : sex trong văn, ngôn ngữ dung tục trong thơ …, nhưng tuyệt nhiên, chưa ai cãi nhau hay đặt câu hỏi tại sao trong văn chương Việt không có rắm. Phải chăng chính vì điều này khiến các vũ công ballett và các văn sĩ càng cách xa nhau hơn ?

Trở lại vấn đề văn sĩ Việt Nam không đánh rắm. Về mặt nguyên tắc của hệ tiêu hoá: không đánh rắm có nghĩa là rắm bị tồn đọng trong người, gây nên hiện tượng nhiễm xạ rắm trong nội tạng. Mà tâm hồn nằm đâu? Nó nằm trong nội tạng. Bởi vậy các nhà văn Việt Nam đều mắc chứng “tâm hồn nhiễm xạ rắm” [5]. Điều này lí giải tại sao tuyệt đại đa số tác phẩm văn chương Việt đều phảng phất mùi rắm

Trong khi giới vũ công ballett cứ âm thầm toả rắm thì suốt một thế kỉ qua các văn thi sĩ vẫn thơm như múi mít và họ còn cãi nhau như mổ bò: nào là “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh” nổ tung [như rắm] hồi đầu thế kỉ, tới gần đây, một oép sai văn học tổ chức cãi nhau về “văn khó”, “văn dễ”, hoặc một số văn sĩ đòi tách rời giữa chính trị và nghệ thuật … v.v, nhưng chẳng có ai [tổ chức hay cá nhân] chịu đặt câu hỏi: sao nhà văn Việt Nam không biết/ không tập đánh rắm, và tại sao văn chương Việt không có rắm và các tác phẩm cứ bốc mùi rắm.

Chứng kiến các cuộc cãi vã của văn giới, bác nông dân ở huyện X, cái huyện từng được xem vũ kịch “Gisel”, bảo: “Nói thì như rắm, mà viết thì chả ra cái rắm gì ! Toàn cãi nhau về những vấn đề như rắm !”

---
chú thích hình: NSƯT V. trong tiết mục Thiên nga chết. Đây là một tiết mục kinh điển, biểu diễn trên giầy mũi cứng, nên vãi rất nhiều rắm

[1] Phải “chua” tiếng Anh trong tình huống này vì từ “rắm” là từ miền Bắc. Miền nam chỉ rắm bằng một từ rất mập mờ: địt
[2] Cũng có thể là 18 hay 19 gì đó. Nhưng chính xác là nước Pháp có một ông vua là biên đạo/diễn viên ballet
[3] Viện Boxphest trực thuộc uỷ ban liên hiệp các hội văn học nghệ thuật vỉa hè
[4] Tên các động tác cơ bản ballett bằng tiếng Pháp. Ngoại ngữ kẻ viết bài này là tiếng Kinh nên viết có thể sai
[5] Thuật ngữ y học (tiếng latinh: farttrongtutuongims)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét